- Những dấu ấn trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (2): Kinh tế - động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ
- Những dấu ấn trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (1): Cùng chung nỗ lực hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh
- Xin Đại sứ cho biết quan điểm của mình về ý nghĩa chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ |
- Đại sứ Phạm Quang Vinh: Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Mỹ Joe Biden gợi cho tôi mấy suy nghĩ. Trước hết, chuyến thăm như một sự kết nối giữa mốc thời gian tháng 7-2015 đến nay. Vào thời điểm tháng 7-2015, lần đầu tiên Tổng Bí thư, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Mỹ. Chuyến thăm được cả hai bên Việt Nam, Mỹ đánh giá là mang tính lịch sử. Và trong chuyến thăm này, người đứng đầu thể chế chính trị Việt Nam là Tổng Bí thư và người đứng đầu thể chế chính trị của Mỹ khi đó là Tổng thống Obama, đã có những trao đổi rất thẳng thắn về không gian hợp tác và cả những khác biệt. Từ đó, hai nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Mỹ, định hướng quan hệ hai nước trong thời gian phát triển tiếp theo.
Điểm thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Joe Biden không phải là tiếp xúc đầu tiên giữa Tổng thống và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cần nhắc lại là sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng năm 2021, Tổng thống Joe Biden đã có thư chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư và gần đây nhất, ngày 29-3 vừa rồi, hai bên có điện đàm cấp cao.
Chính cuộc điện đàm đó vừa là khởi động, vừa là định hướng cho những hoạt động trong năm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Mỹ, nhưng cao hơn nữa là định hướng cho quan hệ hai nước trong những thập kỷ tiếp theo, trong đó có chuyến thăm sắp tới.
Trong chuyến thăm tới đây, tôi cho rằng cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ càng làm sâu sắc hơn nguyên tắc chỉ đạo quan hệ hai nước mà hai nhà lãnh đạo nhất trí đề ra trong cuộc điện đàm. Đó là thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.
Bên cạnh việc tiếp xúc dưới vai trò là lãnh đạo cấp cao hai nước, tôi cũng muốn lưu ý một chi tiết mà tôi cho rằng mang dấu ấn cá nhân lý thú giữa hai nhà lãnh đạo. Còn nhớ 8 năm trước, ông Joe Biden, khi đó là Phó Tổng thống Mỹ đã chủ trì chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nay, ông Joe Biden gặp lại Tổng Bí thư với tư cách Tổng thống Mỹ. Tôi cho rằng điều đó không chỉ mang ý nghĩa quan hệ hai nước, mà còn là dấu ấn cá nhân lãnh đạo.
Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ thường niên năm 2022 |
- Đại sứ có kỳ vọng gì ở chuyến thăm này trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước trong thời gian tới?
- Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng với 28 năm quan hệ ngoại giao vừa qua, trong đó đặc biệt đáng chú ý là 10 năm Đối tác Toàn diện, đây là thời kỳ mà có lẽ quan hệ Việt Nam - Mỹ có những phát triển mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc nhất.
Xin đơn cử ở mấy điểm. Một là hai bên đã và đang tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin và tạo ra khuôn khổ hợp tác ổn định, lâu dài trên cơ sở cùng có lợi. Trên cơ sở đó, hai bên đã thực hiện rất nhiều chuyến thăm cấp cao lẫn nhau, mà đáng chú ý là những chuyến thăm gần đây của các Tổng thống Mỹ đến Việt Nam.
Phía Việt Nam cũng có nhiều chuyến thăm cấp cao sang Mỹ trong đó có chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7-2015. Tất cả những điều đó tạo ra những nền tảng về chính trị để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam - Mỹ.
Tôi xin được nhắc lại nguyên tắc chỉ đạo quan hệ Việt Nam - Mỹ, đó là: độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Trong đó, việc tôn trọng thể chế chính trị là yếu tố quan trọng, nhất là khi hai nước có những khác biệt về chế độ chính trị xã hội.
Điểm thứ hai là các trụ cột phát triển quan hệ, từ chính trị ngoại giao cho đến kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục hay hợp tác song phương, đa phương đều được phát triển. Tôi xin đơn cử về câu chuyện liên quan đến kinh tế, thương mại. Đây có lẽ là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Nếu 10 năm trước (năm 2013), khi chúng ta xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện, thương mại hai chiều giữa hai nước mới đạt khoảng 35-36 tỷ USD, đến hiện tại con số đó trên 123 tỷ USD, tăng gần gấp 4 lần. Đây là câu chuyện cho thấy dư địa hợp tác giữa hai nền kinh tế còn rất nhiều và mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Từ những thành quả hợp tác như trên, tôi cho rằng chuyến thăm Việt Nam tới đây của Tổng thống Joe Biden sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo hai bên nhìn lại chặng đường 10 năm qua đã đạt được những gì, để tạo đà thúc đẩy hơn nữa, đồng thời định hướng cho quan hệ trong các thập kỷ tới.
Bên cạnh đó, một điểm mà tôi cho rằng các nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ nhấn mạnh, đó là những gì đang làm hiện tại là rất tốt, sẽ phải làm tốt hơn. Và điều tôi mong chờ ở chuyến thăm, đó là việc mở rộng, phát triển hơn nữa các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên. Có nhiều lĩnh vực mới mà hai bên có thể tiếp tục khám phá và khai thác thêm, chẳng hạn như xu thế của thế giới trong phát triển kinh tế dựa trên khoa học và công nghệ, tức là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, hay tăng cường hợp tác giáo dục - đào tạo; khắc phục hậu quả chiến tranh. Những lĩnh vực này giữa Việt Nam - Mỹ còn rất nhiều không gian để có thể tăng cường hợp tác hơn nữa.
Tôi tin chắc rằng với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, trong thời gian tới, quan hệ hai nước sẽ được nâng lên một tầm mới. Hợp tác hai nước sẽ phát triển trên tất cả các mặt và có những lĩnh vực tiềm năng có thể khai thác được, thúc đẩy quan hệ hai nước cùng có lợi và cũng rất phù hợp với mục tiêu phát triển cao hơn, chất lượng hơn, bền vững hơn của Việt Nam như Đại hội XIII của Đảng xác định qua các mục tiêu phát triển vào năm 2030, 2045.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ!