Những dấu ấn trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (2): Kinh tế - động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự tăng trưởng nhanh chóng, mạnh mẽ của hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ sau gần 3 thập kỷ bình thường hóa quan hệ ngoại giao (12-7-1995/ 12-7-2023) và 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác toàn diện (25-7-2013/ 25-7-2023) là một động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương phát triển sâu rộng, ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam

Sau hơn 28 năm bình thường hóa quan hệ và 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác toàn diện, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ đã có nhiều tiến triển vượt bậc, trên cả bình diện song phương và đa phương, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ nhất.

Cùng với quan hệ chính trị tiến triển tốt đẹp, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Mỹ được coi là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đã và đang trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ chung giữa hai nước. Hiện Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD/năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn đại biểu hơn 50 doanh nghiệp lớn của Mỹ sang thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 3-2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn đại biểu hơn 50 doanh nghiệp lớn của Mỹ sang thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 3-2023

Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, trong 5 tháng đầu năm 2023 (tháng 1 đến tháng 5), kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ - Việt Nam đạt hơn 46,5 tỷ USD. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và ngược lại Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ. Đáng lưu ý, trong khối các nước thuộc ASEAN, Việt Nam chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả khối, xếp trên nước thứ hai là Thái Lan với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 20 tỷ USD.

Có thể nói, hợp tác về kinh tế - thương mại luôn là điểm sáng trong quan hệ Việt - Mỹ, nhất là sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Cách đây 10 năm, thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ mới đạt 35 tỉ USD, nay đã lên 123 tỉ USD, tăng gấp gần 4 lần. Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng thương mại luôn ở mức 2 con số, chứng tỏ quan hệ kinh tế - thương mại có tính bổ sung, hai bên cùng có lợi. Điều đó cũng cho thấy, Mỹ vẫn là thị trường hấp dẫn, có khả năng mở rộng hơn nữa trao đổi thương mại với Việt Nam. Điều đó cũng chứng tỏ rằng năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam tốt.

Mỹ là thị trường lớn bậc nhất thế giới với 330 triệu dân (thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 76.000 USD năm 2022), trong đó hơn 2,1 triệu người Mỹ gốc Việt. Cộng đồng người Việt tại Mỹ luôn hướng về quê hương, mong muốn được sử dụng những sản phẩm Việt Nam và đây chính là tiềm năng to lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Hệ thống hàng nghìn doanh nghiệp kiều bào là kênh phân phối tiềm năng đưa hàng Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường Mỹ.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm phù hợp với thị trường và thị hiếu tiêu dùng của Mỹ, với các mặt hàng chủ lực gồm máy và thiết bị điện tử, thu âm, thu hình, sắt thép, dệt may, da giày, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ… Năm 2022, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ, đạt 20,1 tỷ USD; thứ hai là hàng dệt may, đạt 17,3 tỷ USD; tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 15,9 tỷ USD.

Với sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ cùng nỗ lực của các doanh nghiệp hai bên, trao đổi thương mại song phương năm 2023 được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao hơn năm trước, góp phần thúc đẩy Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Khởi sắc đầu tư của Mỹ vào Việt Nam

Cùng với trao đổi thương mại, Mỹ trong nhiều năm qua luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Mỹ hiện xếp thứ 11 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất vào Việt Nam. Tính đến cuối tháng 12-2022, lũy kế tổng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam đạt 11,42 tỷ USD trong tổng cộng 1.216 dự án. 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 13,43 tỉ USD. Trong tổng số vốn cam kết đó, nhà đầu tư Mỹ đóng góp hơn 405 triệu USD, đứng vị trí thứ 8 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Vốn FDI từ Mỹ tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi như: Bà Rịa - Vũng Tàu (45,8%), TP.HCM (12,4%), Bình Dương (9%). Xét về lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư của Mỹ tập trung chủ yếu vào các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống (42,5%); công nghiệp chế biến, chế tạo (32%); cấp nước và xử lý chất thải (5,2%).

Dù chưa đầu tư trực tiếp nhưng hiện có 11 nhà máy của các những nhà cung ứng thiết bị cho Tập đoàn Apple đã đến Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Điều này đã và đang đặt ra kỳ vọng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ cao. Theo Hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất thế giới JP Morgan, Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, khoảng 5% MacBook và 65%

AirPods vào năm 2025. Việt Nam hiện đang nổi lên như một trung tâm sản xuất linh kiện và dịch vụ sản xuất điện tử đối với các sản phẩm có khối lượng nhỏ (Apple Watch, Mac, iPad) và đang trở thành trung tâm sản xuất AirPods chính của Apple.

Hiện, có 4 lĩnh vực mà các nhà đầu tư Mỹ muốn làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Trước hết là năng lượng tái tạo, gồm điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo… Mỹ đã nhiều lần cử phái đoàn sang Việt Nam cũng cam kết hai nước sẽ hợp tác trong mảng năng lượng tái tạo bởi Mỹ có công nghệ để phát triển còn Việt Nam lại rất dồi dào về nắng, gió và cả thủy triều; thứ hai, là chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn; Nông nghiệp hữu cơ, xuất khẩu xanh, công nghiệp số, blockchain…; thứ ba là nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe con người; thứ tư là công nghệ tương lai...

Cùng với sản xuất, công nghệ…, các tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ như Visa, Citi Group cũng đã có mặt tại Việt Nam. Đại diện Citi Vietnam cho biết, hiện tập đoàn đang phục vụ danh mục khách hàng là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất trong danh sách Fortune 500 của Mỹ tại Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng thương mại quốc tế hàng năm lên tới hơn 90 tỉ USD vào Việt Nam.

Quan hệ hợp tác Việt Nam - Mỹ đã đạt được nhiều tiến triển thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, đóng vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước. Do vậy, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng năm 2023 và các năm tiếp theo, hai nước sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi thương mại và thu hút vốn đầu tư, khai thác hiệu quả những lĩnh vực tiềm năng, tạo cơ hội thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương.

(Còn nữa)