Tăng giá vé xe buýt phải đi đôi với nâng cao chất lượng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sở GTVT Hà Nội đang trình TP tăng giá vé xe buýt vì 10 năm nay, giá vé vẫn giữ nguyên. Mức tăng đề xuất không cao; với các chặng phổ thông, ngắn mức tăng là 1.000 đồng, cao nhất là 20.000 đồng.

Giá vé hiện tại đã áp dụng 10 năm

Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, trên địa bàn TP hiện có 132 tuyến xe buýt được trợ giá với 2.034 phương tiện hoạt động; 9 tháng qua đã vận chuyển gần 350 triệu lượt hành khách.

Chi phí trợ giá cho xe buýt giai đoạn 2015 - 2019 trung bình 1.371,80 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2020 - 2022 trung bình 2.230,49 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2022, TP đã chi ra tới 2.991,42 tỷ đồng trợ giá xe buýt; dự kiến cả năm 2023 con số này sẽ đạt 2.754,15 tỷ đồng.

Xe buýt là loại hình vận tải khách công cộng không đặt mục tiêu lợi nhuận, nên nhiều năm qua TP Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ giá vé, tạo điều kiện cho tất cả người dân đều tiếp cận được đến xe buýt, đồng thời thay đổi hành vi sử dụng phương tiện cá nhân, chuyển sang vận tải khách công cộng để giảm ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Cụ thể hỗ trợ 50% vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể. Hà Nội cũng đã áp dụng chính sách miễn tiền vé xe buýt cho người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.

Khách đi xe buýt Hà Nội đã tăng trở lại trong 9 tháng của năm 2023

Khách đi xe buýt Hà Nội đã tăng trở lại trong 9 tháng của năm 2023

Dù vậy, theo Sở GTVT Hà Nội, giá vé đang áp dụng cho xe buýt có trợ giá đã được ban hành từ năm 2014. Đến nay, sau gần 10 năm, mọi chi phí đầu vào của xe buýt như: nhiên liệu, nhân công, phương tiện… đều đã tăng mạnh, đơn giá trung bình cho mỗi cây số vận hành của xe buýt đã tăng gần 47%. Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội cũng đã tăng 75%.

Các chuyên gia giao thông đều cho rằng, việc Hà Nội nhiều năm qua có chính sách trợ giá cho xe buýt, hỗ trợ người dân đi lại đã mang lại hiệu quả tích cực. Lượng hành khách sử dụng xe buýt cao, dù chưa được như kỳ vọng.

Nhưng chi phí để sử dụng xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội hiện thấp nhất trong các đô thị, nên việc tăng giá là điều cần thiết. Hơn nữa, mức tăng theo phương án của Sở GTVT Hà Nội đưa ra khá thấp, không tác động đến hành vi của đối tượng thường xuyên sử dụng xe buýt.

Nhiều người dân bày tỏ, tăng giá vé xe buýt cũng nên tăng chất lượng phục vụ của loại hình này

Nhiều người dân bày tỏ, tăng giá vé xe buýt cũng nên tăng chất lượng phục vụ của loại hình này

Tiền thu được từ tăng giá vé xe buýt nên sử dụng hiệu quả

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng nhận định, việc xây dựng khung giá vé xe buýt hiện nay chưa hợp lý, tuyến dài cũng tương đương tuyến ngắn dù chi phí cao hơn. Mặt khác doanh thu và lợi nhuận xe buýt quá thấp cũng khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vận tải khách công cộng, đặc biệt là trong bối cảnh thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu phủ xanh xe buýt, tiến tới xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.

Theo phương án do Sở GTVT Hà Nội đề xuất, sẽ có 5 khung giá vé lượt xe buýt: dưới 15km là 8.000 đồng/hành khách/lượt; từ 15 - 25km: 10.000 đồng/hành khách/lượt; từ 25 - 30km: 12.000 đồng/hành khách/lượt; 30 - 40km: 15.000 đồng/hành khách/lượt; 40km trở lên 20.000 đồng/hành khách/lượt.

Vé tháng ưu tiên học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp là 70.000 đồng/tuyến; 140.000 đồng/liên tuyến. Vé không ưu tiên mua theo tập thể là 100.000 đồng/tuyến; 200.000 đồng/liên tuyến. Vé không ưu tiên mua theo cá nhân là 140.000 đồng/tuyến; 280.000 đồng/liên tuyến.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhận định, doanh thu từ xe buýt trợ giá sau khi thực hiện phương án cơ cấu lại, và điều chỉnh giá vé có thể tăng thêm 302,3 tỷ đồng.

Quan trọng nhất là phương án giá vé xe buýt mới được đưa ra, nếu áp dụng vào thực tế sẽ tác động không lớn đến hành khách, vẫn đảm bảo nhóm người thu nhập thấp có thể tham gia vận tải khách bằng xe buýt; giữ vững lợi thế cạnh tranh với các loại hình vận tải khác; đảm bảo phù hợp và công bằng cho hành khách giữa các tuyến ngắn và dài.

Dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, việc tăng giá vé xe buýt dù không nhiều, không tác động đến hành vi tiêu dùng của người đi xe buýt nhưng TP Hà Nội và ngành giao thông Hà Nội cũng đồng thời phải chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia nâng cao chất lượng xe buýt.

Cơ quan chức năng mà trực tiếp là Trung tâm Giao thông đô thị Hà Nội phải nâng cao hơn nữa vai trò quản lý, điều hành để làm sao luồng tuyến xe buýt được bố trí hợp lý, các nhà chờ, điểm dừng đỗ phải thuận lợi cho người dân.

Hơn nữa, việc tăng giá vé xe buýt ở mức từ 1.000 đồng/lượt đến vài chục nghìn đồng/tháng đối với mỗi cá nhân sẽ không có tác động lớn. Nhưng doanh thu tăng thêm từ đó sẽ là nguồn lực rất đáng kể với mạng lưới xe buýt. Vấn đề là phần doanh thu tăng thêm đó sẽ được sử dụng như thế nào, có mang lại hiệu quả thiết thực hay không?.

Nguyễn Ngọc Trang, sinh viên một trường Đại học trên địa bàn quận Cầu Giấy bày tỏ, hoàn toàn ủng hộ phương án tăng giá vé xe buýt của Hà Nội. “Mức tăng mà phương án đưa ra rất thấp, nhưng tăng vé xe buýt thì cũng rất mong chất lượng dịch vụ tăng lên, duy tu bảo dưỡng, đầu tư phương tiện mới và quan tâm hệ thống nhà chờ xe buýt hiện còn khá bất cập”, sinh viên Ngọc Trang cho hay.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, khi tăng giá vé xe buýt thì TP Hà Nội nên xem xét giảm trợ giá cho các doanh nghiệp để đầu tư nâng cấp hạ tầng như nhà chờ, làn đường cho xe buýt…