Tại sao viêm loét dạ dày hay tái phát?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị, thậm chí là ung thư dạ dày nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương viêm sưng, loét dần tạo thành những vết loét gây biến chứng. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào kể cả nam và nữ, thường gặp ở người trên 50 tuổi.

Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để giảm nguy cơ tái phát viêm loét dạ dày

Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để giảm nguy cơ tái phát viêm loét dạ dày

Có 2 loại viêm dạ dày: Viêm loét dạ dày cấp: Là biểu hiện sưng, viêm đột ngột ở niêm mạc dạ dày, xuất hiện những cơn đau dữ dội và theo từng đợt ngắn. Viêm loét dạ dày mạn: Viêm loét dạ dày cấp tính không được điều trị sẽ khiến tình trạng viêm sưng kéo dài, sau một thời gian sẽ chuyển sang mạn tính. Các tổn thương lan tỏa, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm teo, hẹp môn vị, xuất huyết, thủng, ung thư dạ dày...

Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày là chế độ ăn nhiều muối, các loại thịt hun khói), nhiều chất nitrate (có nhiều trong các loại thịt nguội), nhiều thức ăn khét cháy đen. Hút thuốc lá làm giảm lưu lượng máu đến vùng niêm mạc dạ dày và ngăn cản không cho dạ dày bài tiết ra chất nhầy. Ở những người bị viêm loét dạ dày tá tràng thì chất nicotin có trong khói thuốc lá khi được hít vào trong sẽ kích thích sản sinh nhiều chất cortisol - tác nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng và làm tăng nguy cơ mắc bệnh nếu như người bệnh có nhiễm vi khuẩn HP.

Trong gia đình, bà con ruột thịt có người đã từng bị ung thư dạ dày. Đã phẫu thuật cắt bỏ 1 phần dạ dày trước đó làm thay đổi độ pH bình thường trong dạ dày có thể dẫn đến ung thư về sau. Béo phì, nhất là béo bụng làm cho dễ bị ung thư vùng nối dạ dày - thực quản.

Lý do khiến viêm loét dạ dày tái phát

Không tuân thủ phác đồ điều trị. Nhiều người bệnh viêm loét dạ dày thường không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, hay bỏ dở giữa chừng khi thấy triệu chứng thuyên giảm hoặc tự mua kháng sinh để trị bệnh. Tuy nhiên, các ổ viêm loét bên trong dạ dày vẫn chưa hoàn toàn được phục hồi. Điều này làm tăng nguy cơ tái phát bệnh khi có các điều kiện thuận lợi. Nhất là trong trường hợp viêm loét dạ dày có dương tính với vi khuẩn HP (Helicobacter pylori). Người bệnh cần điều trị đủ liệu trình kháng sinh. Việc ngưng thuốc giữa chừng sẽ không thể tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn. Hơn nữa còn làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh. Điều này gây ra rất nhiều bất lợi cho các đợt điều trị về sau.

Ăn uống, sinh hoạt không khoa học. Nhiều người bị tái nhiễm viêm loét dạ dày sau khi đã được điều trị làm liền vết loét thành công. Nguyên nhân khi này là do thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh, khoa học: thức ăn nhiễm khuẩn; ăn không đúng bữa; ăn quá no hoặc để quá đói; thói quen vừa ăn vừa xem tivi...

Stress, căng thẳng quá mức. Áp lực công việc, cuộc sống dẫn đến stress, căng thẳng thần kinh quá mức là yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tổng thể nói chung và hoạt động của hệ tiêu hóa nói riêng. Stress quá mức có thể khiến cho dạ dày tăng tiết acid dịch vị và co bóp mạnh. Điều này sẽ cản trở quá trình hồi phục tổn thương ở niêm mạc. Hơn nữa nhiều trường hợp còn khiến cho các ổ viêm loét tái phát sau khi đã được chữa lành.

Duy trì thói quen xấu. Nếu sau quá trình điều trị viêm loét dạ dày mà người bệnh vẫn tiếp tục duy trì các thói quen xấu thì khả năng tái phát bệnh là rất cao. Hút thuốc lá là thói quen xấu phổ biến ở nam giới. Thói quen này không chỉ nguy hại cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tiêu hóa. Hàm lượng nicotine trong khói thuốc có thể kích thích dạ dày bài tiết nhiều acid clohydric và pepsin trong dịch vị, từ đó thúc đẩy quá trình ăn mòn niêm mạc và tái phát tình trạng viêm loét.

Việc lạm dụng bia rượu, nước ngọt, cà phê đều là những nguyên nhân gây hại cho dạ dày nói riêng và sức khỏe của cơ thể nói chung. Trong đó, nước ngọt có ga và cà phê có khả năng làm tăng lượng axit có trong dạ dày. Bia, rượu lại khiến lớp màng ngoài bảo vệ niêm mạc dạ dày bị ăn mòn do chứa nhiều chất cồn. Thậm chí những loại thức uống này còn gây nên hiện tượng chướng hơi, trào ngược dạ dày thực quản cùng nhiều tác nhân gây hại nguy hiểm khác đối với sức khỏe người bệnh.

Kiểm soát nguy cơ tái phát viêm loét dạ dày

Để giảm nguy cơ tái phát viêm loét dạ dày bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Người bệnh thực hiện theo một chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt khoa học: không ăn các chất chua, cay, hạn chế sử dụng rượu bia hoặc đồ uống có gas, không hút thuốc lá. Nên ngủ đủ giấc, tránh thức khuya… Người bệnh sau khi khỏi viêm loét dạ dày cần tránh căng thẳng thần kinh, lo lắng kéo dài; tập thể dục đều đặn; giữ vệ sinh sạch sẽ trong sinh hoạt và ăn uống…. sẽ giảm được nguy cơ tái phát bệnh.

Ung thư dạ dày là khối u ác tính xuất phát từ lớp áo phủ bên trong dạ dày. Quá trình viêm dạ dày diễn tiến chậm qua nhiều năm, qua nhiều giai đoạn trung gian với sự biến đổi tế bào của lớp áo phủ bên trong dạ dày trước khi hình thành ung thư dạ dày. Phòng tránh nguy cơ tái phát viêm loét dạ dày và trị bệnh dứt điểm giúp phòng ngừa nguy cơ ung thư dạ dày.