Tại sao tên lửa GLSDB của Mỹ và Thụy Điển lại cực kỳ đáng sợ?

ANTD.VN - Tên lửa GLSDB có tầm bắn 150km với quỹ đạo bay độc đáo và độ chính xác cực cao. Chúng được tập đoàn Boeing của Mỹ và Saab của Thụy Điển hợp tác phát triển.
Nền khoa học kỹ thuật quân sự của Mỹ và Thụy Điển luôn đứng vào tốp đầu của thế giới. Những sản phẩm vũ khí của họ đều được đánh giá cao về hiệu suất chiến đấu, tên lửa siêu chính xác GLSDB là một trong số đó.
Tên lửa siêu chính xác GLSDB thực ra không phải là một vũ khí mới hoàn toàn, chúng là sự kết hợp của hai loại vũ khí khác.
GLSDB với phần đầu đạn chính là bom thông minh GBU-39 còn phần thân chính là rocket M26.

GLSDB có chiều dài 3,9m, đường kính 0,24 m, nặng khoảng 272 kg.

Tầm bắn của tên lửa siêu chính xác GLSDB lên tới 150km.

Khi được động cơ đưa lên đủ độ cao và đạt tốc độ cần thiết, quả bom GBU-39 sẽ tách ra khỏi thân tên lửa, đôi cánh sẽ mở quả bom lượn tới mục tiêu.

Nhờ đầu tìm laser bán chủ động (SAL) nên quả bom GBU-39 có thể tiêu diệt chính xác mục tiêu.
Trong khi các tên lửa của pháo phản lực phóng loạt thường bay theo quỹ đạo đạn đạo, thì bom GBU-39 phóng bằng tên lửa có thể lượn theo quỹ đạo đã chọn.
Hình dáng thuôn và mũi xuyên bằng thép cứng cho phép GBU-39 xuyên thủng bê tông cốt thép dày hơn 1m, gần tương đương với loại bom xuyên một tấn.
Do đó, GLSDB cũng thích hợp hơn tên lửa thông thường hay đạn pháo thông minh M982 Excalibur khi chống lại các mục tiêu kiên cố.
GLSDB được cho là có lợi thế ở yếu tố bất ngờ, chi phí mang phóng rẻ hơn so với việc bom GBU-39 được phóng từ máy bay.
Sử dụng tên lửa GLSDB có thể lấp đầy phân khúc trống của hỏa lực tầm xa chính xác nhằm tiết kiệm tên lửa lớn hơn cho các mục tiêu chiến lược.

Các loại đạn pháo thông minh như M982 Excalibur có khả năng điều chỉnh để có góc tiếp cận mục tiêu cao hơn so với đạn pháo truyền thống, gần như vuông góc với mặt đất thay vì góc 45 độ.

Điều này cho phép khả năng tấn công mục tiêu được che chắn ở phía sau các ngọn đồi hay công trình.

Tuy nhiên, khả năng bay theo đường vòng để tấn công mục tiêu một cách gián tiếp thì chưa loại pháo nào có thể làm.
Bom thông minh đường kính nhỏ phóng từ mặt đất tận dụng khả năng cơ động và độ chính xác vốn có của bom đường kính nhỏ và tầm bắn của tên lửa. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời của GLSDB.
GLSDB có hiệu quả về kinh tế, sử dụng vũ khí hiện có kết hợp với động cơ tên lửa dự trữ, cũng như thiết bị nạp đạn trên hệ thống pháo phản lực M142 và M270 hiện đang được sử dụng bởi nhiều đồng minh của Mỹ.
Chính vì thế việc sở hữu tên lửa GLSDB không đòi hỏi phải chế tạo một hệ thống phóng mới.
Loại tên lửa này sẽ là một lựa chọn có giá phải chăng đối với các khách hàng muốn sở hữu vũ khí có độ chính xác cao để thay thế các loại bom mẹ bị cấm theo Công ước về Bom chùm.
Tên lửa GLSDB có thể được sử dụng cho cả lục quân lẫn hải quân để tấn công các mục tiêu mà trước đây nằm ngoài tầm với của họ.
GLSDB có thể được phóng từ mặt đất hoặc trên các chiến hạm từ ​​nhiều loại bệ phóng và cấu hình khác nhau, tận dụng lợi thế chi phí thấp cho các lực lượng triển khai chúng.
Hệ thống GLSDB nổi bật với độ chính xác cao ở tầm xa, có khả năng bay theo quỹ đạo phức tạp và cơ động để tấn công các mục tiêu mà vũ khí bắn trực tiếp và gián tiếp thông thường không có cơ hội tiếp cận.
GLSDB có khả năng bao quát 360 độ với các góc tấn công đa dạng, công kích mục tiêu sau lưng núi với sai số 1m - điều mà không một loại đạn pháo nào làm được.
Nhờ đó, GLSDB có thể tấn công với mọi góc độ, tiêu diệt mục tiêu gián tiếp được che chắn bằng địa hình, và xuyên phá chống lại các mục tiêu kiên cố.
GLSDB có khả năng tấn công cả các mục tiêu di động trong mọi điều kiện thời tiết cả ban ngày và ban đêm.
Tên lửa GLSDB là giải pháp tấn công tầm xa tối ưu, kết hợp tính kinh tế và hiệu quả, đáp ứng đồng thời nhu cầu phát triển của các lực lượng vũ trang trên thế giới hiện nay và trong tương lai.