Tại sao chiến đấu cơ F-111 Aardvark được gọi là 'kỳ quan công nghệ'?

ANTD.VN - Chiến đấu cơ F-111 Aardvark của Mỹ theo nhận xét mang trong mình "kỳ quan công nghệ" gây ảnh hưởng rất nhiều đến những thiết kế sau đó.

Chiến đấu cơ F-111 Aardvark khi ra mắt vào năm 1964 đã cho ra mắt một bộ công nghệ mới. Cái tên "Aardvark" thậm chí còn là một dấu hiệu của công nghệ nói trên - phần mềm theo dõi địa hình (thể hiện ở phần mũi máy bay dài bất thường).

F-111 Aardvark là một máy bay phản lực siêu thanh, tầm trung, đa chức năng, đã phục vụ trong Không quân Mỹ (USAF) trong 3 thập kỷ cũng như Không quân Hoàng gia Australia tới hơn 40 năm.

F-111A được thiết kế với phiên bản "A" dành cho Không quân và "B" của Hải quân, nhưng biến thể B đã bị hủy bỏ trước khi đưa vào sản xuất. Chiếc F-111A đã giới thiệu các công nghệ đã trở thành tính năng tiêu chuẩn của nhiều máy bay quân sự ngày nay.

Đáng chú ý, F-111 là chiếc máy bay "cánh cụp cánh xòe" đầu tiên được đưa vào sản xuất. Cấu hình cánh này thường được gắn với F-14 Tomcat nhờ bộ phim Top Gun, nhưng chính F-111 mới là sản phẩm ra mắt công nghệ này.

Đôi cánh đặc biệt có khả năng di chuyển về phía trước và phía sau giữa chuyến bay, mục đích để thay đổi hình dạng của máy bay cho phù hợp với từng trạng thái hoạt động.

Hiệu quả là một chiếc máy bay có thể tiếp cận các lợi ích của cả phi cơ cánh bằng (khả năng cơ động cao ở tốc độ thấp) và phi cơ cánh xuôi (tốc độ siêu thanh) tùy thuộc vào yêu cầu của nhiệm vụ tại thời điểm đó. Cánh của F-111 có khả năng di chuyển trong khoảng từ 16 độ đến 72,5 độ.

Bất chấp sự nổi bật của cấu hình cánh cụp cánh xòe, thiết kế này chưa bao giờ trở thành đặc điểm chính của ngành hàng không vũ trụ.

Mặc dù vậy, một số máy bay phản lực đã sử dụng đôi cánh có khả năng thay đổi hình dạng, bao gồm B-1 Lancer, Panavia Tornado, và nhiều loại chiến đấu cơ cũng như oanh tạc cơ do Liên Xô sản xuất, như Tu-160, Tu-22M, Su-24, MiG-23...

F-111 cũng trang bị hệ thống đốt sau trên động cơ phản lực cánh quạt và hệ thống dẫn đường theo địa hình - hai tính năng đã trở nên phổ biến trên các máy bay ra đời sau đó.

Một đặc điểm khác biệt nữa của Aardvark (vốn không trở nên phổ biến) đó là việc sử dụng khoang thoát hiểm thay vì chỉ là một chiếc ghế phóng đơn giản.

Khoang thoát hiểm sẽ đẩy cả hai người điều khiển ra ngoài cùng nhau, họ được bảo vệ bởi buồng lái cố định, thay vì bắn các phi công ra khỏi buồng lái như trong hầu hết các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom hiện đại.

Khi lần đầu tiên ra mắt, F-111 đã giới thiệu một số công nghệ mới, tuy nhiên chiếc máy bay phản lực này vẫn gợi nhớ đến khung chiến đấu cơ hiện có: A-6 Intruder; F-111 sẽ sao chép cấu hình chỗ ngồi của phi công A-6, đặt hai người điều khiển cạnh nhau thay vì trước - sau.

Và cũng giống như A-6, được ca tụng vì khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, F-111 cũng có thể tác chiến mà không cần quan tâm nhiều đến tình hình khí tượng bên ngoài.

Bên cạnh đó, F-111 cũng được thiết kế để hoạt động phía sau phòng tuyến đối phương, nó sẽ bay ở tầm thấp và thả bom vào mục tiêu. Sự khác biệt tất nhiên là A-6 chậm, trong khi F-111 lại khá nhanh.

Khởi đầu của F-111 rất tệ, năm 1967, Không quân Mỹ nhận chiếc Aardvark đầu tiên. Máy bay thực hiện nhiệm vụ chiến đấu vào tháng 3/1967. Ngay tháng đó, hai chiếc F-111 đã bị rơi, tuy nhiên các mảnh vỡ chưa thể tìm thấy và nguyên nhân hai vụ tai nạn vẫn chưa được làm rõ.

Khi chiếc F-111 thứ ba rơi vào tháng sau, thủ phạm cuối cùng đã được phát hiện: một thanh van điều khiển thủy lực cho bộ ổn định ngang khiến máy bay lao lên mất kiểm soát, đẩy chiếc phi cơ vào trạng thái mà phi công không thể phục hồi.

Từ chiếc Aardvark bị lỗi, 42 máy bay F-111 khác được phát hiện có lỗi thiết kế giống như trên. Điều này khiến phi đội Aardvark không hoạt động trở lại trong ba năm - cho đến năm 1971 nó mới cất cánh trở lại.

F-111 sau đó đã đóng góp rất đáng kể vào Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, thực hiện nhiệm vụ tại Libya... trước khi bị thay thế vai trò bởi F-117A Night Hawk tàng hình, được đánh giá "bí mật" hơn nhiều.