Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Phải có người “gác cổng”

ANTĐ - “Vì không có kiểm soát nội bộ, không có người “gác cổng” nên Vinalines bỏ ra 19.000 tỷ đồng để mua ụ sắt quá đát mà chỉ mình chủ tịch HĐQT biết trong khi tổng giám đốc, kế toán không ai biết” -  đây là ý kiến của PGS.TS Đặng Văn Thanh, chuyên gia kinh tế tài chính cao cấp của Quốc hội đóng góp cho các chính sách tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. 

Cần sớm khôi phục hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh minh hoạ


Quan tâm tới hiệu quả lâu dài

Bộ Tài chính cho biết, tính đến tháng 4-2012, đã có 7 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trình Thủ tướng đề án tái cơ cấu. Trong khi 35 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã và đang hoàn thiện đề án dưới các mức độ khác nhau. Đồng thời Bộ Tài chính cũng đang xác định lựa chọn các doanh nghiệp sẽ được vay vốn ADB để thực hiện đề án tái cơ cấu trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ Tài chính - Trần Văn Hiếu khẳng định: “Đề án tái cơ cấu đã có, giải pháp thực hiện cũng đã được vạch ra, nhưng cái chính là vấn đề thực hiện và cơ chế giám sát quá trình ấy sao cho hiệu quả”. 

Các chuyên gia cho rằng, việc xác định mục tiêu mà quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước phải tiến đến là phá thế độc quyền cũng như ảnh hưởng của các nhóm lợi ích đến khu vực này. Tạo sự cạnh tranh bình đẳng với các khu vực khác cũng như cạnh tranh quốc tế, minh bạch tài chính, xóa bỏ cơ chế xin - cho, cũng như việc bù lỗ từ phía Nhà nước. Việc tái cơ cấu cũng được xác định là vấn đề khó khăn khi nhiều vấn đề đan xen không dễ thực hiện như sắp xếp nhân sự, xử lý nợ, thoái vốn… Cũng như xử lý cá nhân sai phạm và bài học rút ra trong cơ chế quản lý, giám sát đối với các doanh nghiệp Nhà nước sau những sự cố tại Vinashin, Vinalines. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính, Trần Văn Hiếu khẳng định: “Vấn đề nào cũng có cái giá phải trả. Thoái vốn nhưng vẫn phải bảo toàn hiệu quả, không chỉ về dừng lại ở việc mua 1 đồng bán 1 đồng mà phải cân đối toàn diện. Hiệu quả của tái cơ cấu phải có cái nhìn dài hạn chứ không thể ngắn hạn”.

Chưa có đánh giá về mô hình tập đoàn

Ông Đặng Văn Thanh cho rằng, “Nhà nước nên dừng thành lập các tập đoàn kiểu như hiện nay. Nhà nước bao lấy tập đoàn, Nhà nước bảo lãnh, Nhà nước cấp vốn. Nếu tập đoàn dựa vào hình thành cổ phần, vốn của thị trường, vốn của cổ đông thì vấn đề đã khác. Mô hình tập đoàn chỉ đơn thuần chuyển từ độc quyền Nhà nước sang độc quyền doanh nghiệp, căn nguyên vẫn là độc quyền từ tập đoàn điện, tập đoàn than… điều này hết sức vô lý”.

Cũng theo ông Thanh, nên sớm có ngay cơ chế tài chính cho tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, hiện nay chúng ta chưa có một chế độ kế toán hoàn chỉnh nào cho mô hình tập đoàn kinh tế. Trong khi đó, các đơn vị này lại kinh doanh khá đa dạng, kinh doanh đan chéo dẫn đến không rõ ràng. Từ không rõ ràng dẫn đến báo cáo tài chính hợp nhất, xử lý tài chính nội bộ của tập đoàn, tổng công ty hiện nay rất lúng túng, nói sai cũng được, nói đúng cũng được và dẫn tới khi nào mất vốn, khi nào xảy ra thất thoát, tiêu cực mới xử lý được. 

Theo ý kiến của ông Đặng Văn Thanh, việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước phải bắt đầu từ tái cấu trúc tài chính. Để các tập đoàn, tổng công ty rút nhanh vốn tại các dự án ngoài ngành trong thời gian ngắn từ 2012 đến 2015 là điều không hề dễ. Có 21 tập đoàn, tổng công ty lớn đang tồn tại và để cổ phần hoá càng không đơn giản, bởi đó là cả một tổ hợp. Việc xử lý nợ, hay đánh giá nợ đang tồn tại tại các tập đoàn hiện nay cũng cần phải gấp rút định hình. Nên sớm ban hành cơ chế tài chính, kế toán hoàn chỉnh. Khi báo cáo tài chính được các doanh nghiệp Nhà nước đưa ra thì cơ quan chức năng là Bộ Tài chính phải xác định đuợc, số nào sai, số nào đúng. Cơ chế tài chính và hoạch toán cần phải rõ ràng và không gật đầu với bất kỳ số liệu nào mà doanh nghiệp Nhà nước đưa ra. 

Việc cần sớm khôi phục lại hệ thống kiểm soát nội bộ tập đoàn được ông Thanh phân tích: “Hệ thống kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ chính là cầu chì. Trong quá trình chờ cổ phần hoá hay đang tiến hành tái cấu trúc vẫn phải duy trì hình thức kiểm soát tài chính nội bộ. Vì không có kiểm soát nội bộ, không có người gác cổng nên Vinalines bỏ ra 19.000 tỷ đồng để mua ụ sắt quá đát mà chỉ riêng chủ tịch HĐQT biết trong khi tổng giám đốc, kế toán không ai biết. Phát huy quyền tự chủ của doanh nghiệp là cần thiết nhưng việc kiểm soát cũng cần thiết không kém”. 

Tin cùng chuyên mục