Syria và những căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Nga

ANTĐ - Vấn đề Syria gần đây có thể gây nên những căng thẳng mới cho quan hệ giữa hai kỳ phùng địch thủ trong chiến tranh lạnh một thời, Nga và Mỹ.

Khi chính quyền tổng thống Obama lên thay đã hứa hẹn một cuộc tái khởi động trong quan hệ với Mátxcơva sau cuộc xung đột năm 2008 giữa Nga và nước cộng hòa Liên Xô cũ Gruzia, một đồng minh triển vọng của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cuộc tái khởi động này đã giúp “dọn đường” cho một hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược mới, các kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ mà Nga kiên quyết phản đối và sự ủng hộ lớn hơn của Nga cho các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế tham vọng phát triển hạt nhân của Iran.

“Tôi nghĩ rằng mối quan hệ tốt đẹp này gắn với cuộc tái khởi động xuất phát từ sự phân tích của cả hai phía về những vấn đề nơi cả hai đều có một loạt những lợi ích chung và cả hai bên sẽ theo đuổi những lợi ích này và cùng hợp tác với nhau”, ông James Goldgeier, hiệu trưởng trường American University School of International Service cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo ông Goldgeier, “những điều chúng ta chứng kiến gần đây cho thấy vẫn còn tồn tại những vấn đề không mang lợi ích chung chia rẽ Mỹ và Nga”.

Ngày nay, một trong những vấn đề gây chia rẽ hàng đầu quan hệ hai nước đó là Syria, nơi tổng thống Bashar al-Assad đàn áp cuộc nổi dậy của dân chúng hiện đang đe dọa bùng phát thành một cuộc nội chiến. Ít nhất 10,000 người đã bị giết và một kế hoạch ngừng bắn giữa LHQ và Liên đoàn Ả rập đã sụp đổ hoàn toàn.

Mỹ, các đồng minh phương Tây và các quốc gia Ả rập dẫn đầu đều đã lên tiếng chỉ trích tổng thống Syria al-Assad. Tuy nhiên, Nga lại đứng đằng sau đồng minh lâu năm của nước này, ngăn chặn việc đưa ra hành động tại Hội đồng Bảo an và cảnh báo những can thiệp bên ngoài trên danh nghĩa những phe chống đối.

Vào thứ hai vừa qua, tổng thống Mỹ Barack Obama và tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội kiến bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra tại Los Cabos, Mexico và cùng nhau đàm thoại về vấn đề xung đột tại Syria. Đây là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới kể từ khi ông Putin trở lại nhiệm sở vào năm nay.

Sau gần 2 giờ bàn bạc và thảo luận, ông Obama cho biết cả hai bên đều nhất trí rằng “chúng ta cần thấy sự chấm dứt bạo lực và một quá trình chính trị cần phải được tạo ra nhằm ngăn chặn nội chiến”.

Căng thẳng giữa Washington và Moscow bùng phát vào tuần trước khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ bà Hillary Clinton cáo buộc Nga chuyển máy bay trực thăng cho Syria, nơi những nhóm chống đối cho biết chúng được sử dụng để chống lại dân thường. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga ông Sergey Lavrov tuyên bố vào thứ năm vừa qua rằng chính quyền Nga không bán cho ông al-Assad bất cứ một thiết bị nào có thể được dùng để chống lại những người chống đối mà chỉ chuyển cho nước này hệ thống phòng thủ trên không theo hợp đồng ký kết nhiều năm trước đó.

Nga đã từng đứng sang một bên khi Hội đồng Bảo an cho phép can thiệp quốc tế tại Libya lật đổ Moammar Gadhafi năm 2011. Tuy nhiên, “Syria lại là nơi mà lợi ích thực sự của Nga đang gặp nguy hiểm”, ông Matt Rojansky, phó giám đốc chương trình Nga- Á Âu tại Carnegie Endowment for International Peace, Washington cho biết.

“Vấn đề của Nga đó là ông Assad làm việc không hiệu quả. Thay vì đập tan cuộc nổi dậy chống lại mình, dường như mọi thứ ông ta làm lại chỉ khiến cuộc nổi dậy bùng phát mạnh mẽ thêm”. Điều này đã khiến cho Mỹ và đồng minh có cơ hội đặt nhiều áp lực lên ông al-Assad hơn. Trong khi đó, Mátxcơva coi sự hỗ trợ của Mỹ cho phe chống đối tại Syria như một sự xâm phạm vào sân sau của Nga. Tuy nhiên, cả Mỹ và Nga đều không muốn chứng kiến cuộc xung đột tại Syria lan sang các quốc gia lân cận như Li-băng, nơi đã bị chia rẽ giữa những phe phái thân và chống Syria những năm gần đây. Bên cạnh đó, Mỹ cần Nga giúp trong việc đối phó với Iran, nước đã bất chấp những yêu cầu của LHQ ngừng sản xuất nhiên liệu hạt nhân giữa những cáo buộc của Israel và phương Tây cho rằng Iran đang tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân.

Theo ông Goldgeier, cuộc khủng hoảng tại Syria như một sự nhắc nhở rằng những khác biệt căn bản vẫn còn tồn tại giữa hai địch thủ trong chiến tranh lạnh trước đây, và điều đang xảy ra tại Syria cho thấy những giới hạn trong quan hệ giữa Mỹ và Nga.

“Đây không phải là chiến tranh lạnh và sẽ không trở thành chiến tranh lạnh. Nhưng bất đồng xung quanh Syria sẽ có thể trở nên nghiêm trọng như cuộc chiến Gruzia, bởi nó cho thấy một cách tiếp cận của Nga về cơ bản là hoàn toàn khác biệt với các lợi ích của phương Tây, và thực sự trong trường hợp này là với lợi ích của tất cả các nước khác”.