Syria chìm trong bất ổn

ANTĐ - Đất nước Syria đang lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị và bất ổn xã hội trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua do làn sóng biểu tình chống chính phủ bùng phát mạnh từ tháng 3 đến nay.

Vẫn có những cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống al-Assad và kêu gọi đoàn kết dân tộc

Tình hình Syria nghiêm trọng tới mức Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) ngày 1-8 đã triệu tập cuộc tham vấn khẩn cấp về vấn đề bạo lực tại quốc gia Trung Đông này. Cuộc tham vấn trên diễn ra chỉ một ngày sau vụ bạo lực làm khoảng 140 người thiệt mạng, chủ yếu tại thành phố Hama và các thị trấn khác của Syria.

Vụ bạo lực ngày 31-7 được xem là một đỉnh điểm mới trong sự bất ổn bao trùm đất nước Syria gần 5 tháng qua, kể từ khi làn sóng biểu tình chống chính phủ bùng nổ. Lực lượng đối lập thoạt đầu yêu cầu dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, thực hiện cải cách... sau đó lại đòi chính phủ từ chức.

Nhằm hậu thuẫn cho các đòi hỏi của mình, phe đối lập dấy lên một làn sóng biểu tình rầm rộ trên khắp đất nước, đặc biệt là các thành phố, để gây áp lực với chính quyền Tổng thống Bachar al-Assad.  Có những thời điểm như ngày 22-7, phe đối lập đã huy động tới 1,2 triệu người xuống đường biểu tình.

Áp lực rất lớn từ những cuộc biểu tình marathon đã buộc chính quyền Tổng thống al-Assad phải đi hết từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác. Đầu tiên là gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp áp đặt trên cả nước từ năm 1963, tiếp đó Nội các gồm 32 thành viên do Thủ tướng Mohammed Naji al-Otari đứng đầu phải từ chức, thảo luận sửa đổi Hiến pháp mở đường cho một cuộc bầu cử tự do...

Thế nhưng, các nhượng bộ của chính quyền al-Assad chưa làm phe đối lập hài lòng. Các cuộc biểu tình, bạo loạn vẫn diễn ra trên khắp đất nước với con số thương vong ngày càng cao. Trong khi phe đối lập cho biết khoảng 1.800 người biểu tình đã thiệt mạng từ giữa tháng 3 tới nay thì Chính phủ Syria cũng khẳng định hơn 1.600 binh sĩ và cảnh sát bị sát hại trong các vụ xung đột.

Tình trạng bạo lực kéo dài không chỉ đẩy Syria vào cuộc khủng hoảng và bất ổn trầm trọng mà còn khiến cộng đồng quốc tế quan ngại sâu sắc. Các quốc gia phương Tây bên cạnh việc đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt còn muốn thấy hành động cứng rắn của HĐBA.

Tuy nhiên, cho đến nay HĐBA vẫn chia rẽ rất lớn về vấn đề Syria. Các nước phương Tây, đi đầu là Mỹ, muốn cơ quan quyền lực này của Liên hợp quốc phải có biện pháp mạnh tương tự với Libya khi cho rằng Tống thống al-Assad đã “đánh mất tính hợp pháp”. Song Nga và Trung Quốc lại khẳng định sẽ phủ quyết bất cứ Nghị quyết nào lên án chính quyền

al-Assad. Hai thành viên có quyền phủ quyết trong HĐBA cho rằng việc thông qua một Nghị quyết tương tự như Nghị quyết đã thông qua với Libya sẽ bị các nước phương Tây lợi dụng để tiến hành một chiến dịch quân sự chống chính quyền Tổng thống al-Assad, điều mà họ đã làm ở Libya trung tuần tháng 3 vừa qua.

Bất đồng giữa các thành viên Hội đồng bảo an LHQ trong lúc các bên ở Syria vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung để giải quyết cuộc khủng hoảng đã kéo dài gần 5 tháng nay.