Suốt 300 năm phường múa rối nước làng Đào Thục trầm mình dưới nước

ANTD.VN - Phường múa rối nước làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, đã suốt 300 năm qua trầm mình dưới nước để lưu giữ một bề dày văn hóa truyền thống của đất nước, con người Việt Nam. Làng Đào Thục là một miền quê bình dị và yên ả, một làng quê giàu truyền thống của vùng Bắc Bộ. Nơi đây có trò rối nước nổi tiếng vang xa cả nước...

Rối nước Đào Thục xuất hiện từ thời Hậu Lê. Làng Đào Thục có Đào Tướng Công, tên thật là Nguyễn Đăng Vinh (hay Đào Đăng Khiêm) quê ở Đào Xá, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, nay là Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Gắn với nghề, yêu nghệ thuật nên các nghệ nhân đều trầm mình trong nước dù mùa nắng ấm hay lạnh buốt mùa đông.

Yêu nghệ thuật múa rối nước, ông dồn hết tâm huyết truyền bá nghệ thuật này cho đời sau. Vì có công lớn nên dân làng đề nghị triều đình Hậu Lê phong thần, lập bia đá năm 1735 (thời Lê Ý Tông). Hàng năm, vào ngày giỗ của ông (24 tháng 2 âm lịch), dân làng tổ chức dâng hương để tưởng nhớ công đức của vị Tổ nghề

Nghệ thuật biểu diễn rối nước Đào Thục khác mọi nơi là chỉ sử dụng loại rối máy sào dây, con rối lắc đều và vung vẩy được cả hai tay, dễ dàng sang phải, sang trái, đặc biệt con rối đi vào buồng trò bằng cách quay ngược trở lại

Với hơn 20 tích trò, là những vở rối cổ, bắt nguồn từ công việc đồng áng của cư dân nông nghiệp như cày bừa, cấy lúa, chăn trâu, câu cá..., các trò chơi dân gian như đánh đu, múa hát được mùa..., hay là diễn lại những điển tích, truyền thuyết cổ của dân tộc như Thạch Sanh đánh Trăn Tinh...

Phường rối Đào Thục hiện có hơn 30 nghệ nhân, người già nhất đã hơn 70 tuổi, người trẻ nhất vẫn đang học phổ thông, trong đó có khoảng hơn 20 nghệ nhân tham gia biểu diễn thường xuyên

Những tích xưa được các nghện nhân Đào Thục chuyển tải hóa thân vào những coi rối vô hồn nhưng in đậm dấu ấn trong lòng người xem bởi các động tác nghệ thuật

Để có những màn diễn hóm hỉnh, đầy chất nhân văn, giáo dục truyền thống, lịch sử, các nghệ nhân phải trầm mình dưới nước trong bất kể mùa đông giá hay mùa nắng hạ. Và họ luôn là nghệ nhân không bao giờ lộ diện bởi nhiệm vụ luôn đứng ở phía sau thủy đình

Một nghệ nhân khắc tạc nhân vật rối, dù đều là làm thủ công nhưng tất cả đều mang đậm tính nghệ thuật cao. Đối với nghệ nhận Đào Thục ngoài biết  hóa thân vào nhân vật còn phải biết tự đục tạc nhân vật của mình