Sukhoi T-4 - siêu oanh tạc cơ sở hữu 600 bằng phát minh của Liên Xô vì sao chết yểu?

ANTD.VN - Siêu oanh tạc cơ Sukhoi T-4 có thể bay với vận tốc Mach 3 từng là loại vũ khí sở hữu 600 phát minh do Liên Xô nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên đáng tiếc vì nhiều lý do cuối cùng dự án này đã bị hủy bỏ. 

Khi nói đến các siêu dự án vũ khí bị hủy bỏ một cách đáng tiếc của Liên Xô thì không thể không kể tới siêu oanh tạc cơ Sukhoi T-4.

Lịch sử phát triển Sukhoi T-4 diễn ra vào năm 1963, khi chính phủ Liên Xô đưa ra yêu cầu thiết kế loại máy bay ném bom chiến lược đối chọi với mẫu XB-70 Valkyrie đang được Mỹ phát triển.

Được phát triển với mục tiêu thay thế cho B-52 Stratofortress và B-58 Hustler, oanh tạc cơ XB-70 Valkyrie được thiết kế để thâm nhập không phận của Liên Xô ở độ cao lớn với vận tốc lên tới Mach 3.

Nhân yêu cầu từ ban lãnh đạo Liên Xô, ba viện thiết kế gồm Sukhoi, Yakovlev và Tupolev đã đề xuất các dự án của mình, trong đó phiên bản T-4 của Sukhoi được lựa chọn đưa vào sản xuất thử nghiệm
Tổng công trình sư Pavel Sukhoi là người đứng đầu nhóm thiết kế mẫu T-4. Trước đó, phòng thiết kế (OKB) Sukhoi chỉ chuyên phát triển các loại tiêm kích phản lực và chưa có kinh nghiệm chế tạo máy bay ném bom.
Tổng công trình sư Andrei Tupolev, người thầy của Pavel Sukhoi đã tìm cách khuyên giải, ngăn ông tham gia dự án này.
Nhưng tổng công trình sư Pavel Sukhoi đã quyết tâm cùng các đồng nghiệp chế tạo chiếc T-4 và đánh bại chính thầy giáo mình trong cuộc đấu thầu của chính phủ Liên Xô.
Oanh tạc cơ Sukhoi T-4 có khả năng bay hành trình với tốc độ tới 3.200 km/h, gấp 3 lần tốc độ âm thanh (Mach 3).
Điều này giúp thiết kế của Pavel Sukhoi đánh bại hai đối thủ Yakovlev và Tupolev. Sau giai đoạn xét duyệt vào tháng 6/1964, việc chế tạo bản mẫu Sukhoi T-4 đầu tiên được tiến hành.
Sukhoi T-4 có biệt danh "Sotka" (100 trong tiếng Nga) vì các nhà thiết kế đưa ra khối lượng dự tính của máy bay này là 100 tấn.
Tuy nhiên, bản thử nghiệm Sukhoi T-4 hoàn chỉnh có khối lượng cất cánh tối đa lên tới 135 tấn.
Quá trình phát triển Sukhoi T-4 đòi hỏi nhiều nỗ lực nghiên cứu để tạo ra công nghệ đáp ứng yêu cầu.
Nổi bật trong số đó là phương pháp hàn titan do máy bay sử dụng loại vật liệu siêu bền và nhẹ này để bảo đảm máy bay chịu được tốc độ Mach 3.
Theo hãng Sukhoi, đã có gần 600 phát minh đã được công bố và ứng dụng trong quá trình phát triển oanh tạc cơ siêu thanh T-4 này.
Sukhoi T-4 được chế tạo từ titan và thép không gỉ để đảm bảo tính kết cấu bền vững khi bay với vận tốc cao. Hệ thống điều khiển điện tử (fly-by-wire) với 4 kênh dự phòng, cùng hệ thống điều khiển cơ khí truyền thống cũng được trang bị cho oanh tạc cơ này.

Công nghệ fly-by-wire lần đầu tiên được áp dụng trên Sukhoi T-4 sau này được ứng dụng trên dòng tiêm kích Su-27/30/33/35.

Mũi máy bay Sukhoi T-4 có khả năng điều chỉnh theo tốc độ bay. Phần mũi được hạ xuống thấp trong quá trình cất hạ cánh để tăng tầm nhìn cho phi công.
Khi bay hành trình ở tốc độ cao, mũi của oanh tạc cơ này được nâng lên để giảm lực cản không khí. Phi công có thể quan sát bên ngoài bằng kính tiềm vọng ở tốc độ dưới 600 km/h.
Sukhoi T-4 có chiều dài 44 m, cao 11,2 m, sải cánh 22 m. Máy bay được trang bị 4 động cơ phản lực Kolesov RD-36-41 với tổng lực đẩy khoảng 64.000 kgf
Với 4 động cơ cực khỏe này cho phép Sukhoi T-4 bay hành trình ở tốc độ 3.000 km/h với tải trọng vũ khí 9 tấn, đạt tốc độ tối đa 3.200 km/h và tầm bay 7.000 km.
Vũ khí chính của T-4 gồm tên lửa chống hạm siêu thanh Kh-45 và bom thông thường với khối lượng tối đa 3 tấn.
Bản mẫu thử nghiệm đầu tiên dùng để thử nghiệm trên mặt đất được hoàn thành vào giữa năm 1971. Sukhoi tiếp tục chế tạo thêm 3 chiếc máy T-4 khác.
Mẫu T-4 đầu tiên cất cánh mang số hiệu 101 đã bay vào ngày 22/8/1972, do phi công Vladimir Ilyushin và hoa tiêu Nikolai Alfyorov điều khiển.
Quá trình bay thử nghiệm kéo dài tới ngày 19/1/1974. Chỉ có 10 chuyến bay được thực hiện với tổng thời gian bay 10 giờ 20 phút.
Vào giữa năm 1974, Bộ Công nghiệp hàng không Liên Xô bất ngờ ra lệnh ngừng phát triển Sukhoi T-4. Cuối cùng dự án này bị hủy bỏ chính thức vào ngày 19/12/1975.
Ngày nay chỉ còn duy nhất chiếc 101 còn tồn tại, được trưng bày tại bảo tàng không quân trung tâm tại Monimo, ngoại ô Moscow.
Đây cũng là bản mẫu thực hiện toàn bộ các chuyến bay thử nghiệm của dự án T-4.

Một trong các lý do dự án oanh tạc cơ siêu thanh Sukhoi T-4 bị hủy là Mỹ đã từ bỏ dòng XB-70 Valkyrie, đối thủ chính của máy bay này.

Bên cạnh đó, chi phí chế tạo chiếc oanh tạc cơ này là quá cao, con số 250 chiếc Sukhoi T-4 mà không quân Liên Xô đòi hỏi được coi là bất khả thi.