Trật tự đô thị Hà Nội: Đi tìm giải pháp “căn cơ”

Sức “nóng” ở một phường “điểm”

ANTĐ - Sự chuyển biến tích cực của trật tự giao thông – đô thị trên nhiều tuyến đường phố ở Hà Nội trong nhiều tháng qua là thực tế đáng ghi nhận. Song với những “người trong cuộc”, sự chuyển biến ấy khó khẳng định sẽ dài hơi, sẽ triệt để, bởi trật tự bước đầu đạt được mới chỉ chủ yếu bằng biện pháp cưỡng chế hành chính. Vậy đâu là giải pháp “căn cơ” để lập lại, duy trì trật tự đô thị?

Người dân khó có thể tự thu xếp chỗ để xe ở những con ngõ hẹp như thế này

Điệp khúc vi phạm

Ngô Thì Nhậm luôn được xem là phường điểm trong 20 phường của quận Hai Bà Trưng về lĩnh vực trật tự giao thông, đô thị. Và tuyến phố “điểm” của phường “điểm” ấy chính là trục Phố Huế, bắt đầu từ ngã tư Phố Huế - Nguyễn Công Trứ lên đến Phố Huế - Hàm Long, chiều dài non cây số. Trong hơn 10 năm trở lại đây, gần 1.000 mét hai bên hè và lòng đường Phố Huế “chứng kiến” không biết bao nhiêu chủ trương, kế hoạch đảm bảo trật tự giao thông, đô thị, văn minh thương mại, rồi cấm để xe đạp, xe máy trên vỉa hè.

Lực lượng chức năng phường Ngô Thì Nhậm luôn nằm trong tốp dẫn đầu quận Hai Bà Trưng về công tác xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực trật tự đô thị, với các lỗi dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định, kinh doanh lấn chiếm hè, đường… Vậy nhưng như Trung tá Lê Văn Phú - Phó trưởng CAP thẳng thắn, trong suốt thời gian qua, những vi phạm về trật tự đô thị trên tuyến Phố Huế rất hiếm khi giảm triệt để. Một ngày, hai ngày, thậm chí một tuần, vi phạm “nằm im”, song cứ “nhãng” lực lượng chức năng, mọi sự lại đâu vào đấy. Biên chế tổ CSTT CAP Ngô Thì Nhậm thuộc dạng đông so với 19 phường của quận Hai Bà Trưng. Lực lượng tự quản đô thị cũng vậy. “Đối trọng” với đó là khoảng 300 hộ kinh doanh với tiêu chí mưu sinh, bám trụ hè phố. 

Đặc thù các hộ kinh doanh ở Phố Huế chuyên những mặt hàng nhỏ, từ cái còi xe máy, đèn pha, hộp dầu nhờn, con ốc vít, đến đồ điện tử. Từ 7h sáng đến 17h chiều là thời gian cao điểm của các hoạt động kinh doanh. Mỗi giao dịch giữa chủ và khách chỉ vài phút là xong. Có khi lực lượng chức năng phát hiện vi phạm từ xa, khi đến gần, người mua đã giao dịch xong và quay xe đi mất. Cố gắng lắm, nỗ lực lắm, phường cũng chỉ duy trì tàm tạm trật tự trong múi giờ cao điểm. Còn sau 17h đến khuya, những chủ trương, kế hoạch về trật tự đô thị trở nên “ít” hiệu lực.

Vì sao “nóng”?

Dừng đỗ xe trên vỉa hè là lỗi vi phạm chủ yếu trên trục Phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm. “Nguồn” phương tiện hàng ngày, hàng giờ tranh thủ dừng đỗ rất đa dạng: của khách, của hộ kinh doanh và của cả nghìn hộ gia đình phía sau, bên trong 300 số nhà mặt Phố Huế. Xin lưu ý, nhiều năm nay, dù vỉa hè rộng hơn 3 mét nhưng Phố Huế bị “cấm” để xe máy, xe đạp trên vỉa hè. Trung tá  Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ tổ CSTT, người có thâm niên trên dưới 20 năm gắn với các con phố ở phường Ngô Thì Nhậm tâm sự: “Phố Huế đâu phải trục duy nhất của phường. Lê Văn Hưu, Trần Xuân Soạn, Ngô Thì Nhậm… tổng cộng 8 tuyến phố, 7 con ngõ và chợ Hôm – Đức Viên, tuyến nào cũng tập trung đông hộ, người kinh doanh, mua bán. Tuyến nào cũng cần sắp xếp, xử lý và chỗ nào ngơi lực lượng chức năng, vi phạm lập tức xuất hiện”.

Bên cạnh một bộ phận hộ kinh doanh, người mua hàng ý thức chấp hành quy định trật tự đô thị còn kém, phải thừa nhận khó khăn của cơ quan quản lý trong đáp ứng nhu cầu dừng đỗ, gửi xe của người dân trên địa bàn phường Ngô Thì Nhậm và tuyến Phố Huế. Trật tự đô thị tuyến Phố Huế sở dĩ khó duy trì đều đặn, lâu dài, vì nhu cầu gửi xe – rất chính đáng - của người dân không được đáp ứng trọn vẹn. Tìm trên từng ấy tuyến phố, ngõ của phường Ngô Thì Nhậm, duy nhất đoạn vỉa hè phố Trần Xuân Soạn (trước cổng chợ Hôm – Đức Viên) có 2 điểm trông giữ xe. Thế nhưng, 2 điểm trông giữ này luôn trong tình trạng quá tải, bởi phải tiếp nhận khách gửi xe ra vào chợ Hôm - Đức Viên, “phố vải” Phùng Khắc Khoan… mỗi ngày không dưới 1.000 lượt phương tiện. Một vị trí khả dĩ có thể bố trí trông giữ phương tiện, là ngõ Huế, nhưng xét lại cũng khó; vì khả năng tiếp nhận xe không nhiều, chưa kể nằm gần ngay một khu di tích tâm linh. Một biện pháp từng được cơ quan quản lý đưa ra, là vận động người dân tự thu xếp chỗ để xe trong các con ngõ ở mặt Phố Huế. Nhưng điều này quả thực bất khả kháng. Cùng Trung tá Tuấn đi thị sát hệ thống ngõ ở gần 1.000 mét đường Phố Huế, chúng tôi nhận thấy là các con ngõ chiều ngang, xấp xỉ 1 mét. Ngay việc dắt xe đã khó, nói gì đến chuyện sắp xếp.

Bị “bó” về khả năng tiếp nhận xe, cộng với những khó khăn trong quá trình xử lý khiến Phố Huế ngày càng “nóng”. Đội viên tự quản đô thị khá đông, nhưng quy định về chức năng và thực tế không thể làm việc độc lập nếu không có lực lượng công an đi cùng. BCH CAP Ngô Thì Nhậm từng huy động cả CSKV vào cuộc, từ tuyên truyền đến nhắc nhở, xử lý. Định kỳ mỗi tháng, mỗi tuần, phường “nhờ” quận tăng quân tham gia phối hợp. Vi phạm tạm dừng, rồi tái phát. Không hiếm những trường hợp phản ứng thiếu văn hóa với lực lượng chức năng. Cũng có những trường hợp chống đối, không hợp tác. Hay đơn giản nhất, người ta buông một câu mà cán bộ xử lý rất khó trả lời: “Nhu cầu để xe có, các anh cứ phạt thế này, khách đi hết thì gia đình tôi thu nhập trông vào đâu? Rồi lấy đâu để nộp thuế đầy đủ, đúng hạn?”. Những câu hỏi xuất phát từ thực tế. Bởi số tiền thu thuế mỗi năm không dưới 10 tỷ đồng đã và đang là “áp lực” đáng kể đối với phường Ngô Thì Nhậm, chưa kể nhiều loại quỹ khác. “Mình làm căng quá, lúc đi thu, đi vận động người dân vô cùng khó” một cán bộ phường chân thành…

(Còn tiếp)