Kỷ niệm 15 năm ngày tái lập huyện tiên lữ (2-5-1997/2-5-2012):

Sức bật từ đất nhãn

ANTĐ - Từ những chủ trương đúng đắn của chính quyền địa phương cùng với phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó của người dân, tại huyện Tiên Lữ - cửa ngõ phía đông của thành phố Hưng Yên đã xuất hiện những triệu phú, tỷ phú nông dân, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Vùng trồng nhãn lồng đặc sản ở Tiên Lữ ngày càng được mở rộng

Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước trang trại của tỷ phú nuôi lợn - anh Nguyễn Hữu Cơ, ở xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ. Rộng khoảng 18.000m2, trang trại chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp đầu tiên mọc lên giữa cánh đồng thôn Nội Linh giờ đã trở thành mô hình nuôi lợn có quy mô rộng và hiện đại nhất của tỉnh Hưng Yên. Khoảng 10 năm về trước, người dân nơi anh sinh sống quanh năm lam lũ bên đồng ruộng mà thu nhập chẳng đáng là bao. Anh Cơ đã lập dự án, xin đấu thầu vùng đất cấy một vụ lúa không ăn chắc, rồi thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng xây dựng trang trại chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp.

 “Ngày tôi bắt đầu khởi nghiệp từ con lợn, nhiều người bảo tôi như cưỡi trên lưng hổ. Làm ăn không khéo trắng tay như chơi. Nhưng không liều thì sao làm giàu được”, anh Cơ tâm sự. Chỉ tính riêng năm 2011, với 450 con lợn nái và khoảng 3.000 lợn thịt, anh Cơ đã thu về hơn 12 tỷ đồng từ việc bán lợn con và lợn thương phẩm. Gần đây, bà con nông dân vẫn thường đến nhờ anh tư vấn kỹ thuật, cách thức xây dựng chuồng trại, được anh tận tình hướng dẫn. Anh bảo: “Mình làm trước, nắm rõ cách làm thì phổ biến cho người dân. Thấy nhiều nông dân làm giàu từ trang trại, tôi cũng thấy phấn khởi”.

Những khu đồng trũng “cấy lúa không đủ ăn” trên mảnh đất Tiên Lữ giờ đã hình thành những trang trại tổng hợp quy mô. Theo thống kê, hiện nay toàn huyện có 285 trang trại, hầu hết tập trung và xa khu dân cư, nhiều hộ thu nhập 200-300 triệu đồng mỗi năm, chủ yếu kết hợp trồng cây ăn quả, ao thả cá, chuồng trại nuôi gia cầm, nuôi lợn… Nhưng đặc sản của Tiên Lữ phải nói đến là nhãn. Đây chính là vùng đất tổ của cây nhãn lồng, một trong những sản vật đặc biệt dùng để tiến vua thời xưa. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tiên Lữ, toàn huyện hiện có trên 400ha nhãn các loại, tập trung ở các xã phía tây của huyện như: Phương Chiểu, Hoàng Hanh, Tân Hưng… trong đó khoảng 2/3 diện tích này đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Riêng cây nhãn hàng năm cho thu khoảng 6.000 tấn quả mang lại giá trị khoảng 38 tỷ đồng, đó là chưa kể nghề làm long nhãn ngày càng phát triển mạnh.

Để có những triệu phú, tỷ phú nông dân, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương, phải nói tới tầm nhìn và chủ trương đúng đắn của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Người nông dân muốn làm ăn lớn rất cần sự hỗ trợ về mặt bằng xây dựng, ưu đãi vay vốn đầu tư. Nắm bắt được xu hướng đó, chính quyền huyện đã thực hiện tốt công tác dồn thửa đổi ruộng đất nông nghiệp, khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún. Từ chỗ bình quân 11 thửa/hộ, sau khi dồn đổi bình quân mỗi hộ chỉ còn 3 thửa. Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, khai thác hiệu quả tiềm năng về đất đai đã hình thành nên nhiều vùng cây đặc sản, tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh. 

Nhìn chung, điều kiện khí hậu và đất đai của huyện Tiên Lữ thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp đa dạng nhưng tại thời điểm tái lập năm 1997, Tiên Lữ là huyện thuần nông với điểm xuất phát thấp về kinh tế, GDP bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình của cả nước và của tỉnh. 15 năm qua, huyện đã thực hiện các chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới… Năm 2011, diện tích gieo trồng đạt 12.748ha, năng suất lúa tăng cao đạt bình quân 66,76 tạ/ha, thu nhập bình quân đầu người ở Tiên Lữ đã đạt 16,1 triệu đồng/người. Năm 1997, từ chỗ chỉ có 8 doanh nghiệp, đến nay trên địa bàn huyện Tiên Lữ đã có hơn 90 doanh nghiệp, trong đó khoảng 50 doanh nghiệp đã hoạt động và được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư và sản xuất kinh doanh. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn năm 2011 đạt 480 tỷ đồng, tăng 15 lần so với năm 1997. 

Cơ sở hạ tầng ở Tiên Lữ đang được chú trọng phát triển

Khẳng định hướng đi đúng đắn và tinh thần quyết tâm, phấn đấu của huyện trong những năm qua và thời gian tới, ông Đoàn Xuân Việt, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tiên Lữ cho biết: “Chúng tôi tập trung cao chuyển nền sản xuất nông nghiệp sang nền sản xuất hàng hóa để khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương, đưa khoa học vào sản xuất nông nghiệp để nhân dân Tiên Lữ giàu lên từ chính mảnh đất của mình”.

Công cuộc xây dựng quê hương dù đã có bước phát triển mạnh mẽ sau 15 năm tái lập nhưng cũng đòi hỏi Tiên Lữ phải nỗ lực hơn nữa. Hiện trên địa bàn huyện đang triển khai những dự án lớn như: Tỉnh lộ 200 qua Tiên Lữ 9/34km, hoàn thành trong năm 2012; Dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (9km); Dự án xây dựng trường Đại học Thủy Lợi trên địa bàn huyện Tiên Lữ hoàn thành năm 2016. Đó sẽ là những cú hích để mảnh đất Tiên Lữ giàu truyền thống cách mạng, nhiều sản vật tự nhiên cũng như những con người tài ba (tiêu biểu trong lịch sử là danh tướng Hoàng Hoa Thám, người xã Dị Chế đã dấy binh khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược ở núi rừng Yên Thế (1884-1913) phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình trong thời gian tới.