Sửa Luật Giao dịch điện tử: Hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh với đăng ký kết hôn, khai sinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thảo luận về Dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi), Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đề nghị cân nhắc, hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh với việc cấp giấy tờ về đăng ký kết hôn, ly hôn, giấy khai sinh...

Thảo luận về Dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi), Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đề nghị cân nhắc, hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số lĩnh vực như cấp giấy tờ về đăng ký kết hôn, ly hôn, giấy khai sinh

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật giao dịch điện tử, Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng những vấn đề được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật về cơ bản đang hướng tới khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về giao dịch điện tử hiện nay, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số nhằm chủ động tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Về phạm vi điều chỉnh, Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đến các hoạt động của đời sống xã hội, bao gồm giao dịch điện tử của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) phát biểu thảo luận

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) phát biểu thảo luận

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi dự thảo Luật, cần có lộ trình để chuyển đổi giao dịch điện tử trong một số ngành, lĩnh vực có thủ tục hành chính phức tạp, đa dạng như liên quan đến đất đai, đấu thầu xây dựng, quy hoạch.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cũng đề nghị cân nhắc, hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số lĩnh vực như cấp các giấy tờ về đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh hiện nay vẫn cần phải có mặt của những người có liên quan hoặc thân nhân của họ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, vị đại biểu này cũng đề nghị làm rõ phạm vi, mức độ chi tiết của thông tin được báo cáo; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử; về chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử; về tranh chấp và xử lý vi phạm và quy định bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng.

Cùng cho ý kiến về nội dung trên, Đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên Huế) cơ bản tán thành với các ý kiến về chữ ký số, chữ ký điện tử.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam cho biết, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán là lĩnh vực áp dụng chữ ký điện tử nhiều. Đại biểu hi vọng Luật sửa đổi lần này có quy định về chữ ký giao dịch điện tử nước ngoài. Vì khi chúng ta công nhận được những chữ ký giao dịch điện tử nước ngoài thì sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, tăng cao hiệu quả hoạt động.

Còn theo Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP. HCM), cần bổ sung quy định về các loại công nghệ mới sử dụng trong định danh nhân thân.

Theo Đại biểu Nguyễn Minh Đức, các loại hình xác nhận điện tử đang được sử dụng phổ biến trong thực tế. Do đó cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về cấp độ chữ ký điện tử, giá trị pháp lý theo từng cấp độ; bổ sung quy định về các loại công nghệ mới được sử dụng trong định danh nhân thân.

Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về xác thực, định danh điện tử theo hướng áp dụng 3 yêu cầu đảm bảo đối với định danh điện tử (gồm cơ bản, tiên tiến và cao), đảm bảo 3 mức độ này được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn của quốc tế.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần có quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của lực lượng an ninh mạng, đảm bảo thống nhất với quy định trong Luật An ninh mạng để bảo đảm an ninh, an toàn trong thực hiện giao dịch điện tử.