Cần quy định cấm làm lộ lọt thông tin cá nhân trong giao dịch điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đóng góp ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) đề nghị cần có quy định về các hành vi bị cấm như làm lộ lọt thông tin của cá nhân trong giao dịch điện tử.

Đảm bảo cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp

Đồng thuận với việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, Đại biểu Trần Chí Cường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu về việc kiểm soát dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Chí Cường nhấn mạnh, trong giao dịch điện tử, dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất bao gồm việc quy định quyền và nghĩa vụ của người tạo ra dữ liệu, quyền của người sử dụng dữ liệu, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng dữ liệu. Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa quy định rõ các nội dung này.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) phát biểu

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) phát biểu

Vì vậy, Đại biểu Trần Chí Cường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến sử dụng, khai thác, phân tích, kinh doanh các dịch vụ liên quan đến dữ liệu được tạo ra trong các giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng cần được quan tâm.

Theo đại biểu Trần Chí Cường, chúng ta đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ thông tin cá nhân như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, các quy định chưa hoàn toàn cụ thể và xác thực với hoạt động giao dịch điện tử. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định vào Điều 8 về các hành vi bị cấm. Đó là nghiêm cấm hành vi làm lộ, lọt thông tin cá nhân khi chưa được sự cho phép hoặc thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch điện tử.

Có đảm bảo an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử?

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số nội dung.

Theo đại biểu, Dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, điều này là cần thiết khi hiện nay công nghệ số đã tương đối phổ biến, nền tảng số đã trở thành môi trường không thể thiếu của giao dịch điện tử. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh hướng tới 2 mục tiêu một là tạo điều kiện tốt hơn trong ứng dụng giao dịch điện tử trong toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi chuyển đổi số của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu vấn đề, với 2 mục tiêu trên, vấn đề đặt ra liệu các điều kiện bảo đảm sẽ như thế nào và có bảo đảm được sự an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử hay không? Đại biểu bày tỏ băn khoăn thực hiện giao dịch điện tử như thế nào với nhóm dịch vụ công trực tuyến chưa triển khai được ở mức 3, mức 4.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) thảo luận

Cùng với đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh phải kèm theo các điều kiện bảo đảm nguồn lực về hạ tầng công nghệ thông tin, con người thì liệu có bảo đảm được bố trí đủ kinh phí cho lộ trình xây dựng nâng cấp các hệ thống hiện tại.

Ngoài ra, một số thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh, quốc phòng, bí mật công tác bí mật kinh doanh có thể có nguy cơ lộ lọt bị chiếm đoạt khi thực hiện giao dịch điện tử. Vậy thì có hợp lý không khi đưa hết tất cả vào phạm vi điều chỉnh và nếu đưa vào thì cần phải kèm theo những điều kiện nào.

Từ những phân tích trên, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện thực tiễn của Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế. Để từ đó cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi.