Sự trở lại của những “con hổ”

ANTĐ - Vai trò và vị trí của Đông Nam Á trên bản đồ kinh tế toàn cầu đã bị đặt dấu hỏi lớn khi các “con hổ” kinh tế khu vực bị “vùi dập“ trong cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế 1997-1998 song chính những nền kinh tế này lại đưa ra câu trả lời trong cuộc suy thoái toàn cầu hiện nay.

Trao đổi thương mại nội khối gia tăng giúp ASEAN vững vàng trong khủng hoảng kinh tế thế giới

Đông Nam Á đang là điểm sáng trong bức tranh u ám của nền kinh tế toàn cầu. Đó là đánh giá thống nhất của giới kinh tế cũng như chính trị thế giới khi nhìn nhận về thực trạng cũng như triển vọng kinh tế các quốc gia Đông Nam Á.

Bất chấp những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cũng như cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành tại Mỹ và châu Âu, kinh tế các thành viên ASEAN, chiếm 10/11 quốc gia Đông Nam Á, tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cho dù giảm so với mức tăng trưởng 7,4% của năm 2010 song GDP các nước ASEAN vẫn tăng khoảng 5,7-6,4% trong năm nay.

Với một thị trường hơn 600 triệu dân, tổng GDP gần 1.500 tỷ USD và tăng trưởng cao, ASEAN đang đóng vai trò là động lực tăng trưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thậm chí toàn cầu. ASEAN hiện được xem là đối thủ đáng gờm của các nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.

Nhìn vào thế và lực của kinh tế Đông Nam Á trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay thấy hoàn toàn tương phản với thời khủng hoảng cách đây hơn một thập kỷ. Chịu tác động khủng hoảng tồi tệ hơn nhưng kinh tế Đông Nam Á vẫn chứng tỏ được sức đề kháng và phát triển mạnh mẽ.

Có thể nói cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 đã giúp ASEAN tích lũy được kinh nghiệm đối phó và xử lý khủng hoảng hết sức hữu ích. Vẫn coi trọng vốn đầu tư nước ngoài cũng như xuất khẩu nhưng các nước khu vực cũng ngày càng coi trọng hơn việc phát huy nội lực và hợp tác làm ăn nội khối ASEAN.

Tiến trình nhất thể hóa kinh tế khu vực thể hiện qua việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được tiến hành khẩn trương. Đến cuối năm 2010, giữa các thành viên Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã thực hiện cắt giảm 99,11% thuế quan, còn giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam cũng đã cắt giảm thuế quan từ 98,86% xuống dưới 5%.

Cùng với cánh cửa thông thương ngày càng mở rộng, kim ngạch trao đổi thương mại trong ASEAN đã tăng 32,9%, đạt trên 2.000 tỷ USD năm 2010. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của ASEAN cũng tăng mạnh, đạt 75,8 tỷ USD năm 2010, tăng gấp đôi so với năm 2009, trong đó đầu tư trực tiếp giữa các thành viên ASEAN năm 2010 tăng 131,8%.

Nổi bật là “ốc đảo ổn định” trong cơn suy thoái toàn cầu, kinh tế nhiều nước ASEAN đang được nhắc trở lại như những “con rồng”, “con hổ” thời khủng hoảng. Bộ trưởng Thương mại Indonesia Mari Elka Pangestu cho rằng ASEAN cần thực hiện kế hoạch hình thành AEC 2015 đúng thời hạn bởi cộng đồng này sau khi được thành lập sẽ tăng cường vị thế của ASEAN như một trong những trung tâm tích cực và năng động nhất của nền kinh tế thế giới.