Sử dụng tên lửa AIM-9X trị giá 400.000 USD bắn hạ khí cầu, Mỹ ‘dùng dao mổ trâu giết gà’?

ANTD.VN - Tiêm kích F-22 dùng tên lửa AIM-9X giá gần 400.000 USD để diệt khí cầu, truyền thông Trung Quốc cho rằng Washington phô diễn khi "dùng dao mổ trâu để giết gà", tuy nhiên giới phân tích lại cho rằng chỉ có tên lửa AIM-9X mới là giải pháp tối ưu cho nhiệm vụ này.
Tờ Global Times dẫn lời chuyên gia cho rằng Mỹ phản ứng thái quá khi điều tiêm kích F-22 phóng tên lửa AIM-9X trị giá gần 400.000 USD để bắn rơi khí cầu Trung Quốc.
"Xét về mặt kỹ thuật, động thái của Mỹ giống như dùng dao mổ trâu để giết gà. Nó không chỉ là phản ứng thái quá, mà còn thiếu thực tiễn", Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, Trung Quốc, ngày 5/2 cho biết.

Tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ hôm 4/2 bắn hạ khí cầu Trung Quốc trên vùng biển ngoài khơi bang Nam Carolina bằng tên lửa AIM-9X Sidewinder.

Trung Quốc tuyên bố đây là khí cầu dân sự dùng để nghiên cứu khí tượng và bay lạc vào lãnh thổ Mỹ.

Tuy nhiên Lầu Năm Góc của Mỹ bác bỏ, tuyên bố khí cầu này được Bắc Kinh sử dụng để do thám các địa điểm quân sự chiến lược.

Quân đội Mỹ bắt đầu xem xét phương án bắn rơi khí cầu từ giữa tuần trước và điều động hai tiêm kích tàng hình F-22 từ căn cứ Nellis cách Nam Carolina hơn 1.100 km để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Sỡ dĩ Mỹ chọn sử dụng tiêm kích đánh chặn tàng hình F-22 Raptor vì đây là dòng chiến đấu cơ có trần bay lớn.

Việc có trần bay lớn hơn F-15 và F-16 cho phép F-22 có thể tiếp cận gần hơn với khinh khí cầu vốn bay ở độ cao trên 18 km.

Trong nhiệm vụ phòng không đánh chặn, tiêm kích tàng hình F-22 mang theo ba loại vũ khí gồm pháo M61, tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9X Sidewinder và tầm trung AIM-120C/D AMRAAM.
Các chuyên gia quân sự cho rằng tên lửa AIM-9X có giá gần 400.000 USD là lựa chọn hợp lý nhất của Mỹ để bắn rơi khí cầu.
"Bắn hạ khí cầu tầm cao như vậy là thách thức không nhỏ. Chúng đặt ra rất nhiều vấn đề với hệ thống dẫn đường của tên lửa", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nói.

"Khí cầu có tiết diện radar và tín hiệu nhiệt cực nhỏ, gần như không thể bám bắt và khóa mục tiêu bằng các phương pháp truyền thống. Mỗi khí cầu có diện tích phản xạ radar tương đương một con chim nhỏ", báo cáo được Viện Nghiên cứu Không lực (AFRI) thuộc không quân Mỹ cho biết.

"Khí cầu lại cũng di chuyển rất chậm so với mục tiêu bay thông thường, khiến radar Doppler hiện đại thường không phát hiện được chúng", báo cáo được Viện Nghiên cứu Không lực (AFRI) nhấn mạnh.
Ngay cả khi tiêm kích khóa được mục tiêu và khai hỏa, vẫn có khả năng tên lửa bay xuyên qua lớp vỏ của khí cầu nhưng không kích nổ.

Điều này khiến khí cầu khó rơi tại chỗ và có thể tiếp tục trôi dạt trên bầu trời, gây phức tạp cho quá trình thu hồi các thiết bị mà nó mang theo.

Phần lớn tên lửa đối không hiện đại được lắp ngòi cận đích để kích nổ gần mục tiêu, tạo ra lượng lớn mảnh kim loại nhằm phá hủy hoặc làm hư hỏng nặng khí tài đối phương, thay vì lao thẳng vào mục tiêu.

Tên lửa đối không tầm trung như AIM-120 thường dùng ngòi cận đích kích hoạt bằng radar, trong khi đạn tầm ngắn AIM-9X sử dụng tia laser.

"Ngòi nổ cận đích kích hoạt bằng radar của tên lửa AIM-120 có thể không hoạt động với mục tiêu với diện tích phản xạ radar nhỏ như khí cầu, khiến quả đạn tiếp tục bay tự do đến khi tự hủy hoặc lao xuống đất", chuyên gia Rogoway nói.

Sử dụng pháo 20 mm trên tiêm kích F-22 được xem là phương án tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với tên lửa AIM-9X, nhưng biện pháp này đi kèm nhiều vấn đề.

Pháo M61 có tầm bắn hiệu quả khoảng 600 m, buộc tiêm kích F-22 phải bay rất gần khí cầu để bảo đảm khả năng bắn trúng đích.

Tiêm kích F-22 có trần bay 18 km, trong khi khí cầu hoạt động ở độ cao khoảng 18,3 km, nên chiến đấu cơ Mỹ sẽ không thể tiếp cận mục tiêu ở góc bổ nhào.

Đạn nổ mảnh của pháo 20 mm chỉ kích hoạt nếu va chạm với vật liệu rắn chắc như thân vỏ và động cơ máy bay, thay vì lớp vỏ mỏng của khí cầu.

Đạn huấn luyện không chứa chất nổ hoặc đạn xuyên giáp có thể giảm bớt rủi ro, nhưng không đảm bảo được khả năng bắn hạ khí cầu tại chỗ.

Năm 1998, các tiêm kích CF-18 của không quân Canada từng khai hỏa hơn 1.000 viên đạn pháo 20 mm nhằm vào khí cầu thời tiết ở độ cao dưới 12 km, nhưng quả khí cầu này không rơi tại chỗ mà tiếp tục di chuyển thêm nhiều ngày, ảnh hưởng tới giao thông hàng không trên Đại Tây Dương.

"Bắn phá khoang chứa thiết bị bên dưới có thể vô hiệu hóa khí cầu, nhưng sẽ tạo nhiều mảnh vỡ rơi xuống dọc đường bay của nó, mặt khác phá hủy thiết bị này sẽ khiến cho khả năng thu thập dữ liệu tình báo gặp khó sau khi nó bị hạ", chuyên gia Rogoway nhận định.

"Chưa kể kích thước khinh khí cầu lớn, nhưng kích thước của khoang này lại nhỏ hơn nhiều, điều này khiến phi công khó ngắm bắn chính xác", chuyên gia Rogoway cho hay.

\

Quân đội Mỹ không có phương án bắn hạ khí cầu bằng tên lửa phòng không, do chỉ hệ thống Patriot hoặc THAAD đủ khả năng diệt mục tiêu tầm cao trong khí quyển như vậy.

Tuy nhiên, các tổ hợp trinh sát và tên lửa của các hệ thống này cũng sẽ gặp vấn đề do diện tích phản xạ radar rất nhỏ của khí cầu.

Vì vậy phương án sử dụng tên lửa AIM-9X được cho là giải pháp mang tính hiệu quả và tối ưu nhất so với các phương án còn lại.