Su-25 Nga sống sót sau khi trúng đạn phòng không Ukraine ‘rách như tổ ong’

ANTD.VN - Một chiếc máy bay cường kích Su-25 Nga mới đây đã bị trúng tên lửa phòng không cơ động (MANPAD) của Ukraine vào động cơ bên trái nhưng vẫn bay được về căn cứ.

Ngày 10/6, theo tin của truyền thông Nga, một máy cường kích tấn công mặt đất Su-25 Frogfoot của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS) đã sống sót sau đòn tấn công trực diện từ hỏa lực phòng không Ukraine.

Truyền thông Nga đã đăng tải những bức ảnh về chiếc máy bay chiến đấu bị hệ thống phòng không cơ động (MANPAD) bắn trúng động cơ nhưng vẫn cố bay được về căn cứ.

Rõ ràng động cơ bên trái của máy bay chiến đấu đã trúng một cú đánh trực diện của MANPAD. Mặc dù bị hư hại nặng, chiếc máy bay phản lực vẫn có thể hạ cánh xuống căn cứ không quân không xác định của Nga, phi công cũng không bị thương.

Đây là chiếc Su-25 Frogfoot thứ hai của Nga sống sót sau khi trúng đạn trực diện từ hỏa lực phòng không Ukraine. Sự cố đầu tiên như vậy được thông báo trong những tuần đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine vào hồi tháng 3 vừa qua.

Su-25 được thiết kế để chống lại hỏa lực phòng không, đặc biệt là MANPAD. Buồng lái, thùng nhiên liệu và động cơ của máy bay chiến đấu đều được bọc thép. Máy bay phản lực cũng có các sơ đồ điều khiển dự phòng để tăng khả năng sống sót sau khi trúng đạn.

Khả năng bảo vệ được cải thiện trên Su-25SM3 nâng cấp, khi nó được trang bị bộ bảo vệ Vitebsk-25. Bộ bảo vệ này tích hợp một bộ cảm biến Zakhvat, cảnh báo tên lửa tiếp cận từ phía trước và cả phía sau, cùng với hệ thống dò tìm và cảnh báo radar L-150-16M Pastel, hai thiết bị phân tán UV-26M 50 mm và một cặp pod gây nhiễu radar L-370-3S gắn trên cánh.

Tuy nhiên, nguồn tin cho biết là chiếc máy bay chiến đấu sống sót sau vụ trúng đạn chỉ là phiên bản cũ, chưa được nâng cấp lên tiêu chuẩn SM3, nhưng nó vẫn chứng tỏ khả năng sống sót cực tốt của mình.

Các máy bay cường kích Su-25 Frogfoot của VKS đã hỗ trợ cho quân đội Nga dọc theo chiến tuyến ở khu vực Donbass bằng hỏa lực mạnh mẽ của nó. Thông thường, chúng được trang bị tên lửa không điều khiển S-13, có đầu đạn nặng 21-32 kg và tầm bắn 3-6 km tùy thuộc vào biến thể.

Trong khi VKS Nga vẫn duy trì quyền kiểm soát hoàn toàn đối với không phận Ukraine nhưng Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) vẫn đang duy trì một số năng lực không quân và phòng không của mình, bởi họ được phương Tây cung cấp hàng ngàn tổ hợp tên lửa phòng không cơ động.

Mỹ cùng các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine hàng nghìn tổ hợp tên lửa phòng không tần gần/thấp FIM-92 Stinger (Mỹ), Strela (Liên Xô) và vũ khí phòng không tốc độ cao HVM Starstreak (Anh), giúp nước này chống lại các máy bay hỗ trợ mặt đất và trực thăng Nga.