Sơ thẩm vụ án Sở VH&TT Hà Nội bị kiện: HĐXX bác toàn bộ đơn kiện, VietArt tuyên bố kháng cáo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều nay 2-8, TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết về vụ án hành chính mà Sở VH&TT Hà Nội là bị đơn. 

Trước đó vào sáng ngày 1-8-2023, TAND TP Hà Nội đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hành chính số 225/2022/TLHS-HC tại TAND TP Hà Nội giữa Công ty CP Truyền thông VietArt (gọi tắt là VietArt) và Sở VH&TT Hà Nội. Phiên tòa không có sự tham gia của bất cứ đại diện nào của bên bị kiện, bao gồm cả luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Lý do là phía Sở VH&TT Hà Nội có đơn xin vắng mặt song vẫn gửi bản luận tới Hội động xét xử (HĐXX), bác toàn bộ nội dung cáo buộc từ phía VietArt.

Trong khi đó, phía VietArt có sự tham gia của cả người đại diện pháp lý cho công ty lẫn 2 luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đơn vị này. Tại phiên xét xử sơ thẩm, VietArt bảo lưu toàn bộ cáo buộc, chỉ thay đổi số tiền yêu cầu Sở VH&TT Hà Nội phải bồi thường thiệt hại từ hơn 1 tỷ đồng xuống còn 672.831.879 đồng. Cụ thể, VietArt cáo buộc Sở VH&TT Hà Nội vi phạm thủ tục hành chính trong quá trình xem xét hồ sơ xin cấp phép biểu diễn chương trình nghệ thuật cải lương “Tiếng trống Mê Linh” mà VietArt tổ chức, vì vậy yêu cầu Sở phải xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại số tiền 672.831.879 đồng, đồng thời yêu cầu Sở phải bồi thường danh dự cho VietArt số tiền 1.000 đồng.

Đại diện VietArt tại phiên tòa chiều 2-8-2023.

Đại diện VietArt tại phiên tòa chiều 2-8-2023.

Liên quan đến số tiền bồi thường thiệt hại 672.831.879 đồng mà phía VietArt đưa ra, đại diện đơn vị này cho biết con số này được tính dựa trên cơ sở chi phí sản xuất chương trình sau khi trừ đi doanh thu thực tế thu về từ các buổi biểu diễn. Theo đó, tính bình quân giá vé phát hành cho 2 đêm diễn "Ngôi sao phương Nam số 10: Tiếng trống Mê Linh" là 1 triệu đồng/vé, số lượng vé phát hành là 1.100 vé, tổng doanh thu dự kiến thu về là 1 tỷ 100 triệu đồng. Tuy nhiên do quá trình xử lý hồ sơ xin cấp phép tổ chức chương trình của Sở VH&TT Hà Nội kéo dài với nhiều thủ tục mà phía VietArt cáo buộc là không đúng với quy định pháp luật hiện hành, nên đơn vị này chỉ bán được 200 vé, tính ra lỗ 900 triệu đồng.

Về việc này, đại diện Hội đồng xét xử nêu quan điểm, nếu không chứng minh được con số thiệt hại cụ thể ở vụ án này thì phía VietArt có thể khởi kiện Sở VH&TT Hà Nội trong một vụ án khác, cụ thể là một vụ kiện dân sự. Tuy nhiên việc khởi kiện này chỉ có thể thực hiện trong trường hợp Hội đồng xét xử vụ án lần này ra phán quyết kết luận hành vi của Sở VH&TT Hà Nội là sai quy định pháp luật và yêu cầu đơn vị này phải bồi thường cho VietArt.

Trước ý kiến của Hội đồng xét xử, đại diện VietArt khẳng định, mục đích của đơn vị này khi khởi kiện Sở VH&TT Hà Nội là chứng minh Sở có hành vi vi phạm dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh nghệ thuật, qua đó yêu cầu Sở công khai xin lỗi, còn không cố gắng chứng minh đến cùng để đòi tiền bồi thường thiệt hại, cũng không mong muốn kéo dài vụ việc sang một vụ kiện dân sự khác.

Quang cảnh phiên tòa chiều 2-8-2023.

Quang cảnh phiên tòa chiều 2-8-2023.

Tại phiên tòa tuyên án vụ kiện trên diễn ra vào chiều nay 2-8-2023, HĐXX đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của VietArt đối với Sở VH&TT Hà Nội. Theo đó, đại diện HĐXX nhận định, vở cải lương "Tiếng trống Mê Linh" khi được VietArd dàn dựng để biểu diễn tại Hà Nội đã tập hợp nhiều diễn viên, nghệ sĩ hải ngoại, nghệ sĩ tự do...chứ không phải là tác phẩm mà một đơn vị nghệ thuật đã dàn dựng và biểu diễn. Vì vậy việc Sở VH&TT Hà Nội yêu cầu thẩm định chất lượng vở cải lương này là phù hợp với quy định hiện hành, đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Cũng theo HĐXX phiên toàn xét xử sơ thẩm vụ kiện, trong quá trình nộp hồ sơ xin cấp phép tổ chức biểu diễn chương trình "Ngôi sao Phương Nam số 10: Tiếng trống Mê Linh", khi nhận được các yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung từ phía Sở VH&TT Hà Nội thì phía VietArt vẫn tiến hành bổ sung, không có văn bản thắc mắc hay khiếu nại nào liên quan đến nội dung khiếu kiện đối với Sở VH&TT Hà Nội. Vì vậy, HĐXX cho rằng các hoạt động và thủ tục hành chính này là chính đáng và phù hợp với quy định của pháp luật.

Liên quan đến cáo buộc Sở VH&TT Hà Nội đưa ra yêu cầu về thời gian tổng duyệt chương trình gây khó khăn cho phía VietArt, đại diện HĐXX cho biết, việc cuối cùng Sở VH&TT Hà Nội đã chấp thuận chuyển lịch tổng duyệt chương trình vào 14h ngày 15-10-2022 như nguyện vọng của VietArt là đảm bảo quyền lợi cho công ty và thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, không gây phiền hà và tổn thất cho doanh nghiệp. Vì vậy, đại diện HĐXX nhận thấy cáo buộc này của VietArt là không có cơ sở.

Bên cạnh đó, trong quá trình xin chấp thuận tổ chức chương trình, VietArt cũng không có văn bản nào khiếu nại về thái độ làm việc cũng như thủ tục hành chính của Sở VH&TT Hà Nội, do đó việc VietArt khởi kiện yêu cầu xác định Sở VH&TT Hà Nội có hành vi kéo dài thời gian giải quyết vụ việc là không có cơ sở.

Đối với yêu cầu Sở VH&TT Hà Nội công khai xin lỗi VietArt và bồi thường thiệt hại danh dự số tiền 1.000 đồng, đại diện HĐXX nhận định, Sở VH&TT Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ đề nghị chấp thuận tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật "Ngôi sao phương Nam số 10: Tiếng trống Mê Linh" theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, yêu cầu này của VietArt là không có cơ sở.

“Các yêu cầu khởi kiện của công ty VietArt là không có cơ sở để chấp nhận, nên HĐXX thống nhất căn cứ điểm a, khoản 2, điều 193 Luật tố tụng hành chính xử bác toàn bộ các yêu cầu khởi kiện.”- đại diện HĐXX khẳng định.

Theo quy định, phía nguyên đơn là Công ty VietArt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bà Đoàn Thuý Phương, Tổng giám đốc công ty VietArt cho biết đơn vị này sẽ tiếp tục kháng cáo bản án sơ thẩm.