Sở VHTT Hà Nội bị khởi kiện, yêu cầu bồi thường danh dự số tiền 1.000 đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay 1-8, TAND TP Hà Nội đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hành chính số 225/2022/TLHS-HC tại TAND TP Hà Nội giữa Công ty CP Truyền thông VietArt và Sở VHTT Hà Nội.

Trước đó, phiên tòa này dự kiến diễn ra vào ngày 19-7-2023 nhưng người đại diện theo ủy quyền của bên bị kiện có đơn đề nghị hoãn phiên toà vì lý do "công tác đột xuất".

Tại phiên tòa sơ thẩm được mở lần thứ 2, phía bị đơn là Sở VHTT TP Hà Nội tiếp tục có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Phía nguyên đơn không có ý kiến gì về việc này và đề nghị tiếp tục xét xử vụ kiện theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi hội ý, HĐXX thống nhất vẫn sẽ tiếp tục xét xử vụ án trên cơ sở đảm bảo đầy đủ các quy định của pháp luật và tính pháp lý về tranh tụng.

Tại phần đầu của phiên sơ thẩm, đại diện pháp lý của công ty VietArt cho biết, đơn vị này có thay đổi về yêu cầu bồi thường thiệt hại, cụ thể giá trị yêu cầu bồi thường sau khi thay đổi là 672.831.879 đồng. Trước đó, trong đơn khởi kiện vụ án, phía nguyên đơn đưa ra yêu cầu buộc Sở VHTT Hà Nội bồi thường thiệt hại số tiền 1.021.583.216 đồng. Cụ thể, với tư cách bên khởi kiện, phía VietArt cáo buộc Sở VHTT Hà Nội vi phạm thủ tục hành chính trong quá trình xem xét hồ sơ xin cấp phép biểu diễn chương trình nghệ thuật cải lương “Tiếng trống Mê Linh” mà VietArt tổ chức, vì vậy yêu cầu Sở phải xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại số tiền 1.021.583.216 VNĐ, đồng thời yêu cầu Sở phải bồi thường danh dự cho VietArt số tiền 1.000 đồng.

Lý do Sở VHTT Hà Nội bị kiện

Theo thông tin từ phía VietArt, lý do khiến đơn vị này quyết định kiện Sở VHTT Hà Nội xoay quanh việc cấp phép tổ chức biểu diễn một chương trình nghệ thuật.

Cụ thể, vào ngày 5-8-2022, VietArt nộp hồ sơ tới Sở VHTT Hà Nội để xin cấp phép biểu diễn nghệ thuật đối với chương trình “Ngôi sao Phương Nam số 10: vở cải lương Tiếng trống Mê Linh” (gọi tắt là “Tiếng trống Mê Linh”), trong hồ sơ có danh mục nội dung biểu diễn, kịch bản chương trình.

Ngày 12-8-2022, Sở VHTT Hà Nội có văn bản trả lời, trong đó đề nghị VietArt thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, cung cấp văn bản chấp thuận đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh”. Văn bản này theo VietArt là vi phạm Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn bởi tài liệu mà phía Sở VHTT Hà Nội yêu cầu VietArt phải bổ sung không nằm trong các thành phần hồ sơ quy định tại khoản 3, Điều 10 của Nghị định này.

Bên cạnh đó, văn bản mà phía Sở VHTT Hà Nội hồi âm VietArt cũng vi phạm thời hạn quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 10 của Nghị định 144/2022/NĐ-CP: “Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản thông báo yêu cầu hoàn thiện hồ sơ”.

Mặc dù vậy phía VietArt cho biết, trên cơ sở tôn trọng yêu cầu của Sở, đơn vị này vẫn bổ sung giải trình cụ thể về quyền tác giả của tác phẩm biểu diễn. Tuy nhiên sau đó, đến ngày 24-8, Sở VHTT Hà Nội tiếp tục có văn bản thông báo về việc đã giao Hội đồng nghệ thuật của Sở thẩm định, đánh giá về tư tưởng, nội dung và chất lượng nghệ thuật kịch bản vở cải lương này. Phía VietArt cho rằng, văn bản này của Sở tiếp tục vi phạm quy định pháp luật hiện hành, cụ thể là khoản 4, Điều 10 Nghị định 144/2020/NĐ-CP vì trong đó không có quy định nào về việc này.

Quang cảnh phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện

Quang cảnh phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện

Sau 2 văn bản trên, Sở VHTT Hà Nội không có bất kỳ văn bản nào thông báo kết quả thẩm định hay tiến trình giải quyết hồ sơ xin cấp phép biểu diễn chương trình “Tiếng trống Mê Linh”. Sau đó, phía VietArt nhận được thông báo hồ sơ đã quá thời hạn 5 ngày làm việc nên yêu cầu nộp lại. Đó là lý do khiến VietArt phải nộp lại hồ sơ vào ngày 5-9-2022.

Tiếp đó, phía Sở đưa ra yêu cầu chỉnh sửa kịch bản vở cải lương, cụ thể là chỉnh lại một số từ ngữ, lời thoại cho phù hợp. Yêu cầu này sau đó được VietArt thực hiện và tiến hành nộp lại hồ sơ. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, một lần nữa Sở ban hành văn bản thông báo với VietArt về việc sẽ giao Hội đồng nghệ thuật của Sở thẩm định, đánh giá về tư tưởng, nội dung và chất lượng nghệ thuật kịch bản cải lương sau khi được chỉnh sửa. Đến ngày 27-9-2022, theo nội dung tin nhắn của chuyên viên Sở VHTT, VietArt tiếp tục nộp lại hồ sơ dựa trên yêu cầu chỉnh sửa kịch bản từ Sở VHTT Hà Nội. Kết quả là đến ngày 3-10-2022, Sở ban hành văn bản chấp thuận cho VietArt tổ chức biểu diễn nghệ thuật trên.

VietArt cáo buộc Sở VHTT Hà Nội có “hành vi kéo dài thời gian thủ tục hành chính, tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật”. Cũng theo đơn vị này, sau đó phía Sở yêu cầu VietArt thay đổi ngày tổng duyệt từ ngày 15-10-2022 sang ngày 12-10-2022 (tức là sớm hơn 3 ngày so với thời điểm diễn ra chương trình).

Thời điểm tổng duyệt này theo VietArt là gây khó khăn bởi: sáng cùng ngày 12-10 cũng tại nơi tổ chức biểu diễn có buổi tổng duyệt đêm nhạc “Miền ký ức” của nhạc sĩ Phú Quang nên VietArt không đủ thời gian để dựng sân khấu trong vòng có một buổi trưa. Bên cạnh đó, việc đẩy thời gian tổng duyệt lên sớm vài ngày đồng nghĩa với nhiều chi phí bị đội lên rất nhiều, từ tiền vé máy bay đi lại, chỗ ăn ở của đoàn nghệ sĩ, chi phí hậu đài, máy móc thiết bị phải thuê sớm hơn…Sau nhiều cuộc trao đổi và kiến nghị trực tiếp với lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội, phía VietArt được chấp thuận đề xuất tổng duyệt vào chiều ngày 15-10-2022 tức là trước thời điểm chương trình diễn ra vào buổi tối.

Thêm một nguyên nhân khác khiến VietArt quyết định khởi kiện Sở VHTT Hà Nội là bởi việc Sở ban hành văn bản cấp phép khi chỉ còn 9 ngày nữa là chương trình diễn ra nên đơn vị này không kịp thời hạn gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn tới cơ quan có thẩm quyền do theo quy định Điều 29 của Luật quảng cáo 2012 thì hồ sơ phải được gửi trước ngày thực hiện quảng cáo 15 ngày.

Trong khi đó, đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn ngoài đường là phương tiện quảng cáo mang tính hiệu quả nhất. Theo VietArt thì vì thế mà vé của chương trình “Tiếng trống Mê Linh” tối 15 và 16-10-2022 chỉ bán được khoảng 200 vé, trong khi số vé phát hành tổng cả 2 đêm là 1.100 vé.

Bị đơn là Sở VHTT Hà Nội xin vắng mặt tại phiên xét xử sơ thẩm
Bị đơn là Sở VHTT Hà Nội xin vắng mặt tại phiên xét xử sơ thẩm

Bên bị kiện nói gì?

Về phía Sở VHTT Hà Nội, tuy vắng mặt tại phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện mà mình là bị đơn, song đơn vị này đã có văn bản giải trình vụ việc gửi HĐXX. Trong đó có nội dung nêu rõ, cơ sở thực tế để đơn vị này yêu cầu VietArt bổ sung tài liệu chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả đối với vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” là bởi trước đó, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) có công văn gửi tới Sở đề nghị hỗ trợ việc VietArt chưa thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng các tác phẩm trong đêm nhạc “Dáng em” mà VietArt được Sở VHTT Hà Nội cấp phép tổ chức vào đầu tháng 6-2022. Vì nhận thấy có thể chương trình “Tiếng trống Mê Linh” phía VietArt cũng chưa xin phép chủ sở hữu quyền tác giả nên phía Sở đã đề nghị công ty này bổ sung thêm văn bản chấp thuận của chủ sở hữu vở cải lương.

Cũng theo Sở VHTT Hà Nội, mặc dù ngày 3-10-2022, Sở mới có văn bản chấp thuận cho VietArt tổ chức chương trình “Tiếng trống Mê Linh” song đơn vị này đã quảng cáo bán vé trên mạng xã hội từ ngày 10-9-2022. Lý giải về việc đẩy thời gian tổng duyệt chương trình này lên sớm hơn 3 ngày so với thời điểm biểu diễn chính thức là để phía Sở xem và thẩm định nội dung biểu diễn, đặc biệt là về lời thoại, trang phục diễn viên…tránh có những sơ xuất xảy ra vì vở diễn có thời lượng gần 3 tiếng đồng hồ với 6 màn, nhiều lớp lang, cảnh trí phức tạp.

Trong văn bản gửi HĐXX phiên sơ thẩm, phía Sở VHTT Hà Nội bác bỏ yêu cầu bồi thường thiệt hại của VietArt vì cho rằng con số mà phía công ty này đưa ra là chi phí tổ chức biểu diễn, không phải thiệt hại do Sở VHTT Hà Nội gây ra.

Do bên bị đơn là Sở VHTT Hà Nội không có mặt tại phiên tòa nên phần tranh tụng được rút gọn, chủ yếu là phần hỏi đáp giữa HĐXX và Viện Kiểm sát với bên nguyên đơn, phần biện luận từ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của VietArt.

Phía VietArt tham gia phần tranh tụng và trả lời câu hỏi tại phiên tòa
Phía VietArt tham gia phần tranh tụng và trả lời câu hỏi tại phiên tòa

Cuối phiên sơ thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nêu ý kiến về vụ kiện, trong đó cho rằng Sở VHTT Hà Nội đã làm đúng các quy định về trình tự, thủ tục theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định 144/2020/NĐ-CP và quy định pháp luật hiện hành. Cũng theo đại diện Viện Kiểm sát, vở cải lưởng “Tiếng trống Mê Linh” không chỉ có giá trị nghệ thuật cao mà còn có ý nghĩa lịch sử, quy tụ nhiều nghệ sĩ hải ngoại, nghệ sĩ tự do tham gia. Vì vậy việc yêu cầu tổng duyệt trước là phù hợp để đảm bảo yếu tố an toàn cho vở diễn.

Việc VietArt cho rằng phía Sở VHTT Hà Nội có hành vi gây khó khăn cho đơn vị này, theo đại diện Viện Kiểm sát là không có cơ sở. Trong quá trình nộp hồ sơ xin cấp phép biểu diễn chương trình, VietArt cũng không có bất cứ khiếu nại nào về thái độ làm việc hay những bất cập trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ từ phía Sở VHTT Hà Nội.

Trên cơ sở này, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của VietArt. Phiên xét xử sơ thẩm dừng lại ở phần nêu ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát. Phía HĐXX vụ án cho biết sẽ nghị án và tuyên án vụ kiện vào chiều mai 2-8-2022.