So tài những hệ thống phòng vệ chủ động tối tân nhất thế giới cho xe tăng

ANTD.VN - Tích hợp cho xe tăng và xe thiết giáp các hệ thống phòng vệ chủ động (APS) là xu thế đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới, dưới đây là một vài tổ hợp APS được đánh giá sở hữu tính năng kỹ chiến thuật vượt trội.

Tổ hợp phòng vệ chủ động Arena của Nga có cấu tạo bao gồm trạm cảm biến bố trí gần cuối tháp pháo, bên trong có một radar xung Doppler đa chức năng với tầm bao quát 360 độ quanh xe. 

Các cảm biến sẽ quét xung quanh để phát hiện mối đe dọa từ vũ khí chống tăng. Khi một tên lửa/rocket phóng về phía xe tăng, thông số mục tiêu sẽ được cảm biến thu nhận rồi truyền về cho máy tính điều khiển.

Dựa vào thông số tọa độ, vận tốc của đạn, máy tính sẽ kích hoạt vũ khí đánh chặn (gồm 26 viên đạn lắp xung quanh, cung cấp góc phòng thủ 220 - 270o về phía trước và bên hông xe tăng) ở vị trí phù hợp. 

Đạn đối kháng sẽ kích nổ cách xe tăng khoảng 1,5 m, phóng ra hàng nghìn mảnh nhỏ để tiêu diệt tên lửa hay đầu đạn của vũ khí chống tăng.

Thời gian phản ứng của Arena chỉ 0,07 giây, đối phó được mục tiêu có tốc độ lên đến 700 m/s, nhận dạng mục tiêu giả cũng như đạn xuyên giáp cỡ nòng nhỏ không đủ sức gây hại tới xe tăng.

Phạm vi bảo vệ của Arena là 50 m xung quanh, nhưng nó cũng yêu cầu bộ binh phải tránh xa xe tăng tối thiểu 50 m để tránh bị sát thương bởi mảnh đạn, đây được xem là một điểm yếu của Arena.

Đối thủ lớn của Arena là Trophy do Israel sản xuất, nó sử dụng radar EL/M-2133 làm việc trên băng tần F/G, có nhiệm vụ phát hiện, kiểm soát, phân loại các mối nguy cơ. Radar có 4 ăng ten quay về mọi hướng, cung cấp trường quan sát 360 độ, nó còn được hỗ trợ bởi các cảm biến cực nhạy.

Khi tên lửa hay đạn rocket chống tăng được bắn vào xe, máy tính sẽ dựa vào tín hiệu thu được thông qua radar cũng như các cảm biến để thiết lập, quỹ đạo bay, góc độ mà đạn sẽ tiếp cận xe tăng.

Sau đó máy tính sẽ tính toán thời gian để phóng đạn đánh chặn chứa các viên kim loại nhỏ về phía tên lửa chống tăng nhằm vô hiệu hóa nó ở khoảng cách an toàn.

Trường hợp đạn chống tăng không bị phá hủy hoàn toàn, năng lượng từ vụ nổ cũng sẽ giảm đáng kể, khiến nó không còn đủ năng lượng để xuyên thủng vỏ giáp.

Trong hầu hết các cuộc thử nghiệm, Trophy đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thậm chí vụ thử còn diễn ra trong một phạm vi hẹp vừa đủ để tiêu diệt tên lửa mà không gây tổn hại đến bộ binh đi kèm. 

Đặc biệt hơn, tổ hợp này có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, đối phó hiệu quả với nhiều mối đe dọa từ tên lửa hay rocket chống tăng cùng lúc đến từ nhiều hướng.

Ngoài chức năng bảo vệ, Trophy còn có tác dụng phát hiện nơi trú ẩn của đối phương ngay sau khi tên lửa được phóng ra. Từ đó xe tăng có thể nhanh chóng phản đòn, loại bỏ mối nguy hiểm cho chính mình cũng như đồng đội.

Trong trường hợp khách hàng muốn có một hệ thống tân tiến hơn, đánh chặn được cả đạn xuyên động năng dưới cỡ (APFSDS-T) vận tốc lên tới trên 1.500 m/s thì họ có thể hướng sự chú ý sang Iron Fist cũng do Israel sản xuất.

Hệ thống APS này sử dụng radar cực nhạy và cảm biến hồng ngoại để phát hiện mối đe dọa. 

Nhưng khác với "người tiền nhiệm" Trophy, khối đánh chặn của Iron Fist cơ bản là một tên lửa với vỏ làm từ vật liệu dễ cháy nên không phân mảnh khi nổ, áp lực khí thuốc sẽ làm chệch hướng đầu đạn thay vì dùng hàng ngàn viên bi nhỏ để phá hủy mục tiêu.

Cơ chế đánh chặn của Iron Fist ưu việt ở chỗ bảo đảm an toàn cho bộ binh hộ tống. Cảm biến của Iron Fist còn phát hiện được lính bắn tỉa thông qua việc nghe âm thanh phát ra sau khi bắn. 

Một ưu điểm nữa là thao tác lắp đặt không ảnh hưởng đến kết cấu hay hệ thống điện tử bên trong xe, do vậy tích hợp được lên nhiều nền tảng khác nhau.

Trong khi đó Iron Curtain - Bức màn sắt là hệ thống APS do Tập đoàn Artis của Mỹ nghiên cứu phát triển, nó có một số điểm khác biệt so với Trophy và phù hợp hơn cho việc lắp đặt trên xe thiết giáp chở quân bánh lốp.

Đặc điểm nổi bật của Iron Curtain là nó sử dụng radar CrossCue hoạt động trên băng tần C, có khả năng phát hiện, phân loại và xác định chính xác quỹ đạo đạn rocket hay tên lửa chống tăng đối phương bắn tới.

Quá trình đánh chặn của Bức màn sắt được tiến hành khi đầu đạn tiếp cận mục tiêu. Cụ thể, đạn đánh chặn được bố trí trên nóc xe sẽ đánh chụp trực tiếp vào đạn chống tăng bắn tới để giảm khả năng công phá hoặc phá hủy hoàn toàn nó.

Do biện pháp đánh chặn là dựng rào cản bằng áp lực thuốc nổ theo hướng từ trên xuống dưới và sát với mục tiêu cần bảo vệ, cho nên binh sĩ đứng ngay gần xe thiết giáp không hoặc khó bị tổn hại.

Ưu điểm của Iron Curtain nằm ở khả năng phòng thủ vòng tròn, trọng lượng nhẹ, bố trí đơn giản, có nhiều đạn, xác suất kích hoạt nhầm rất nhỏ và rẻ tiền. Nó tiêu diệt được cả tên lửa chống tăng sử dụng phương pháp tấn công top attack lẫn đầu đạn tandem.

Không chịu kém cạnh người Mỹ, mới đây Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rheinmetall của Đức đã giới thiệu một tổ hợp phòng vệ chủ động do mình chế tạo có tên gọi ADS.

Khác với Iron Curtain sử dụng áp lực thuốc nổ, đạn đánh chặn của Rheinmetall ADS chứa bên trong bột kim loại. 

Khi kích nổ nó sẽ dựng một bức tường với tốc độ cao và mật độ lớn để phá hủy đạn chống tăng. 

Lớp bột này sau đó sẽ nhanh chóng giảm tốc độ và lan rộng ra môi trường xung quanh, giảm tối đa thiệt hại ngoài ý muốn.

Rheinmetall còn cho biết thời gian phản ứng của hệ thống ADS chỉ khoảng 0,1 giây, giúp nó đánh chặn được cả đạn chống tăng bắn gần ở cự ly dưới 10 m, xác suất tiêu diệt thành công theo ước tính lên tới 99,9%.

Cuối cùng là hệ thống phòng vệ chủ động GL5 được Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Phương Bắc (Norinco) của Trung Quốc giới thiệu lần đầu tại Triển lãm Norinco Armour Day 2017.

Tổ hợp trên cũng áp dụng cơ chế hoạt động cơ bản là sử dụng radar và cảm biến quét xung quanh xe tăng nhằm phát hiện các mối đe dọa.

Khi một tên lửa hay rocket phóng tới, thông số mục tiêu sẽ được thu nhận rồi truyền về cho máy tính điều khiển, từ đó ra lệnh kích hoạt đạn đánh chặn để vô hiệu hóa vũ khí đối phương.

Ngoài tốc độ phản ứng cực nhanh, điểm độc đáo của GL5 nằm ở chỗ nó phóng ra 2 đạn đánh chặn liên tiếp với độ giãn cách nhất định, đây chính là nguyên lý nhằm khắc chế RPG-30.

Trong cuộc thử nghiệm, 2 viên đạn của GL5 đã cùng tiêu diệt một đạn chống tăng duy nhất bằng cách sử dụng áp lực khí thuốc để phá hủy, phương pháp này tương tự Iron Fist của Israel, thay vì dùng hàng ngàn viên bi nhỏ bắn tung ra xung quanh, sẽ giúp hạn chế thương vong cho bộ binh đi kèm.