Nàng dâu tiểu thư
“Em yêu anh và em sẽ yêu thương mẹ anh giống như mẹ em vậy”. Tôi nũng nịu dụi dụi chiếc mũi nhỏ xíu vào vai anh, thề thốt. Anh xoa đầu tôi, cười hiền: “Em ngốc lắm. Mẹ của chúng mình, sao em cứ gọi “mẹ anh” với “mẹ em” thế”. Tôi đã rất tự tin khi nghĩ về viễn cảnh tương lai được làm vợ anh, làm con dâu của mẹ.
Song hành trình làm dâu của tôi cũng muôn vàn khó khăn. Mẹ không thích tôi ngay từ lần đầu anh dẫn về ra mắt. Mẹ thích anh lấy cô bạn gái cùng quê, quen nhau từ thuở còn cởi truồng tắm sông. Mẹ sợ con gái thị thành như tôi không thạo việc nhà, tính cách tiểu thư “không chiều được”. Mấy hôm chúng tôi về nhà anh chơi, mẹ kéo thêm cả Thảo - gái quê dịu dàng lọt vào “mắt xanh” của mẹ sang nhà, lại bóng gió xa xôi: “Chúng nó quen nhau từ tấm bé. Bác đang hướng tới cho tụi chúng ở cùng một nhà”. Cái giọng nửa đùa nửa thật của mẹ anh khiến Thảo đỏ bừng mặt thẹn thùng, anh cười xòa vô tư, chỉ có tôi sôi gan, sôi máu. Anh kéo tôi đi hái ổi, khẽ khàng: “Nói thì nói vậy, chứ mẹ thương anh lắm. Có bao giờ mẹ từ chối anh điều gì đâu”. Tôi nín nhịn bỏ qua, tiếp tục thể hiện vai “nàng dâu tương lai” cho đẹp lòng mẹ anh.
Tôi đã từng nghe anh kể nhiều về Thảo. Cô ấy là bạn thành mai trúc mã với anh từ nhỏ. Hai nhà sát gần nhau, thân thiết láng giềng đã đành, lại thêm bố mẹ Thảo là bạn thân của mẹ anh, có ơn với mẹ con anh trong những năm tháng một mình vất vả nuôi con. Hai nhà thường vun vén tình cảm giữa anh và Thảo, nhưng tình cảm nào thể gượng ép, dù anh biết chuyện Thảo nặng lòng với anh là có thật. Thảo coi nhà anh như nhà mình, hăng hái quét dọn, cơm nước đảm đang. Dùng xong cơm tối, cô vội vã bê mâm bát ra giếng rửa, anh lăng xăng chạy theo, kéo nước bằng chiếc dây thừng bện chặt lên cho Thảo. Tôi đứng trân trân trong nhà, vừa thấy mình yếu thế, vừa thấy ghen tỵ. Đã vậy, mẹ anh còn nói bóng gió xa xôi: “Đấy, chúng nó đẹp đôi là thế”.
Tôi và anh tranh luận, dẫn đến cãi vã. Người chúng tôi đề cập trong cuộc trò chuyện là mẹ. Anh bảo mẹ phải hi sinh rất nhiều để lo lắng cho anh, kể từ khi bố qua đời khi anh còn đỏ hỏn. Bà ở vậy thờ chồng, nuôi con thơ dại nên người. Mẹ chăm chút cho anh, yêu thương anh vô điều kiện, chỉ sợ anh thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa. Hiểu được tình yêu của mẹ, anh chưa từng làm gì trái ý bà. Bởi vậy, nghe tôi ca thán đôi điều về mẹ, anh tỏ ý không hài lòng. “Em chưa làm dâu nhà anh mà đã không yêu quý mẹ. Sau này về nhà rồi, anh biết lo liệu sao đây?”. Tôi cáu bẳn gay gắt, đòi chia tay, anh muốn lấy cô Thảo, cô Hiền nào đó ở quê cho đẹp lòng mẹ thì tùy anh.
Giận hờn yêu đương là lẽ thường tình, chúng tôi đều biết rõ tình cảm của cả hai đều quá sâu đậm, chuyện chia tay là điều không thể. Tôi tự nhủ với lòng, sẽ cố gắng chiều lòng mẹ, bởi xét cho đến cùng, bà cũng là một người phụ nữ, một người đàn bà chịu nhiều bất hạnh.
Ngày anh lấy tôi, Thảo đứng tựa bên giàn thiên lý, đôi mắt buồn rười rượi. Tôi hả hê bước qua Thảo, ngạo nghễ trong cảm giác của người chiến thắng trong tình yêu. Anh không muốn tôi nặng nề với Thảo, bởi với anh, cô ấy là người em gái bé bỏng và ngây thơ anh rất mực yêu mến.
Sau đám cưới, chúng tôi đón mẹ lên thành phố ở cùng cho tiện chăm nom. Ngày tháng làm dâu của tôi thực sự bắt đầu. Giữa tôi và mẹ nảy sinh vô vàn xích mích mà có hình dung tôi cũng không lường hết được. Mẹ ghê gớm, khắc kỷ, xét nét tôi từng ly từng tí. Bất cứ việc gì tôi làm đều không vừa mắt mẹ. Tôi như hạt cát gợn mắt mẹ, khiến mẹ cáu bẳn. Tôi và mẹ chồng, cuộc chiến hoa hồng âm thầm diễn ra phía sau lưng anh, bề ngoài anh tưởng như chúng tôi hòa hợp và thực sự yêu thương nhau như ruột thịt, nhưng sau ấy là những cơn sóng ngầm cồn cào. Tôi chỉ gói gọn với anh một lời “tổng kết” về mẹ: “Mẹ không coi em là con mẹ”, còn mẹ cau có: “Còn phải bảo ban nó nhiều. Còn vụng về, luộm thuộm lắm”. Lẽ dĩ nhiên, tôi không thể cãi mẹ, không thể làm trái ý mẹ. Tôi nín nhịn tự nhủ, vì anh tôi có thể làm tất cả, mặc dù có lúc tôi muốn phá tung cảm giác tù túng, mệt mỏi.
Anh nhận quyết định đi công tác 1 năm tại Úc. Rất ngạc nhiên, cảm giác buồn bã đón nhận tin chồng xa nhà loáng qua trong tôi rất nhanh, ngay sau ấy là một cảm giác thôi thúc kì la. Một hình dung hiện lên trong trí óc, tôi nhếch mép cười nhạt.
Người mẹ chồng vị tha
Anh đi chưa lâu, mẹ chồng tôi bị tai biến trong một đêm mưa lớn. Chẳng hiểu mẹ loay hoay thế nào mà mưa gió là thế lại chạy ra sân cất chậu địa lan lên thềm tránh nước. Mấy ngày đầu còn anh em họ hàng thay phiên nhau tới chăm sóc mẹ, nhưng vài ngày sau, họ phải về nhà lo liệu việc đồng áng. Còn lại một mình tôi xoay xở chăm lo cho mẹ. Mẹ bây giờ không đi lại được, vệ sinh tại chỗ, cơm nước phải có người bưng rót. Việc công ty bận rộn, lại phải căn cơ từng giờ, từng phút đáo qua nhà lo liệu cho mẹ. Nhớ đến cách cư xử của mẹ trước đây, nỗi uất ức trong tôi dồn lên nghẹn họng.
Đây chính là thời điểm tốt để tôi trả thù mẹ. Bấy lâu nay, vì anh tôi đã nín nhịn. Nay anh đi công tác xa, mẹ lại nằm đâu nằm đấy, nói năng còn khó khăn, huống hồ tính tới chuyện “tố cáo” tôi trước mặt chồng. Tôi “vô tư” nhận lời rủ rê của đám bạn đồng nghiệp công ty, lượn lờ vài hàng quần áo mỗi chiều tan sở. Trở về nhà khi trời tối mịt, nấu cơm tối muộn màng và lên mâm khi chương trình “chúc bé ngủ ngon” bắt đầu báo hiệu kết thúc giục giã bọn trẻ đi ngủ. Không tự đi lại được, mẹ nằm đâu nằm đấy, vệ sinh tự do tại chỗ, tôi vừa bịt mũi, gợn người nhăn mặt trước thứ mùi xú uế sộc thẳng vào mũi, gắt gỏng những lời lẽ ngạo mạn với mẹ.
Có lần tôi hỗn hào nói mẹ “của nợ” của vợ chồng tôi. Chính mẹ là người can thiệp với âm mưu chia rẽ tôi và anh. Mẹ không muốn anh dành tình cảm cho tôi. Mẹ muốn anh mãi chỉ dành cho riêng mẹ mà thôi. Tất cả những gì tôi nói mẹ đều hiểu được, tôi thấy đôi mắt bà trợn tròn, đục ngầu, rồi rệu rã cụp xuống, hai hàng mi trăng trắng khép lại mệt mỏi. Thậm chí có lần, vừa thay rửa vệ sinh cho mẹ, tôi thừa nhận rằng tôi đang “trừng trị” mẹ bởi cách cư xử soi mói, ghê gớm trước đây của mẹ. Sự ngạo mạn của tôi không đủ tinh tế nhận ra những giọt nước mắt xôm xốp của mẹ lăn dài trong đêm.
Thảo xin nghỉ việc không lương một thời gian và lên nhà tôi chăm sóc mẹ. Thảo cần mẫn và chịu đựng. Cô ấy xoa bóp chân tay cho mẹ tôi, chịu khó dìu mẹ tôi tập đi quanh quẩn trong nhà. Cô ấy vào bếp nấu những món mẹ tôi hằng yêu thích, nựng nịu, dỗ dành bà ăn như trẻ lên ba. Còn tôi vẫn mải miết theo những buổi chiều shopping không mệt mỏi.
Sự kiên trì bền bỉ của Thảo, nỗ lực của mẹ cuối cùng đã có kết quả. Mẹ dần hồi phục và tự mình có thể vận động được. Còn lại tôi, một nỗi sợ hãi dâng đầy. Sắp tới ngày anh về, và mẹ sẽ kể lại hết tất cả cách đối xử bạc bẽo của tôi. Kẻ làm điều tội lỗi luôn phải sống trong sợ hãi, tôi có thể hiểu được cảm giác này.
Trước ngày Thảo về quê, cô ấy kể cho tôi nghe chuyện ngày xưa của mẹ anh, là những câu chuyện Thảo được bố mẹ cô kể lại. Mẹ anh là một người phụ nữ kiên cường và hết mực thương con. Bà từng ăn đói mặc rách, dành dụm từng đồng để nuôi anh ăn học. Chính bởi quá yêu thương con trai nên có thể bà đã lo lắng thái quá cho người phụ nữ bên cạnh cuộc đời anh. Bà sợ không ai yêu thương anh nhiều như bà, chăm sóc anh tốt như bà. Chính điều ấy khiến bà có phần khắt khe với nàng dâu, xét nét từng chút một. Thảo kể, lúc chiều vừa tắm cho mẹ chồng tôi, hỏi bà lý do đêm hôm mưa gió lại tất tả chạy ra sân để dẫn tới cơ sự này. Bà buồn rượi, ngật ngừ: “Thấy cái cây địa lan của vợ thằng Tép để ngoài sân, sợ mưa gió làm lá cây bầm dập nên mẹ định mang vào, sơ sẩy nào lại ra nông nỗi ấy, hại con dâu phải khổ”. Mỗi lời Thảo nói chảy qua tâm trí tôi. Hóa ra vì tôi mà mẹ bị ngã. Vậy mà nàng dâu bất hiếu này lại đày đọa mẹ bấy lâu.
Thảo trở về miền quê lặng gió. Chồng tôi trở về đoàn tụ với mẹ chồng và tôi sau thời gian xa cách. Tôi đã quỳ xuống dưới chân mẹ cầu xin tha thứ trong sự ngỡ ngàng của anh. Anh chẳng hiểu lý do gì khiến cả tôi và mẹ ôm nhau nức nở. Mẹ không “tố” tội lỗi của tôi với chồng giống như tôi tiên liệu, song chính tôi đã thú nhận với anh tất cả và tùy anh định liệu. Anh bần thần chưa kịp đưa ra “phán quyết” thì mẹ tôi đã nắm lấy tay tôi, đỡ ngồi dậy. Bà tha thứ cho tôi tất cả với lòng bao dung lạ lùng.
Tôi từng sợ hãi, nghĩ rằng phải bằng mọi giá phải giành lấy anh ra khỏi vòng tay mẹ. Tôi từng sợ hãi với ý nghĩ mình là người thứ ba trong gia đình ấy, nhưng cuối cùng tôi hiểu rằng, gia đình chúng tôi là một, chẳng có bất cứ sự phân chia hay giành giật nào cả. Tôi đã tìm được tổ ấm thực sự của mình sau những toan tính bởi thói ích kỷ tồi tệ.