Siêu tên lửa hạt nhân RS-28 Sarmat Nga sẽ biên chế vào năm 2023

ANTD.VN - Siêu tên lửa đạn đạo hạt nhân RS-28 Sarmat đầu tiên của Nga sẽ được triển khai chiến đấu từ năm 2023. Với sức công phá tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ cùng tầm bay 17.000 km, đây là loại tên lửa hạt nhân đáng sợ nhất con người từng chế tạo. 
"Tên lửa đạn đạo hạt nhân xuyên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat đầu tiên sẽ được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu vào năm sau", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói trong cuộc họp với Tổng thống Vladimir Putin và giới chức quân đội hôm 21/12/2022.

"Các đợt phóng thành công trong giai đoạn thử nghiệm cấp nhà nước cho phép tiến hành quá trình biên chế và triển khai chiến đấu của tên lửa", ông Sergei Shoigu nói thêm.

Nga dự kiến triển khai 22 quả đạn ICBM các loại, gồm tên lửa RS-28 Sarmat, RS-24 Yars và tổ hợp vũ khí siêu vượt âm Avangard, cho Lực lượng Tên lửa Chiến lược trong năm 2023.
Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm hiện đại hóa và cải thiện năng lực chiến đấu của lực lượng tên lửa.

"Bộ ba hạt nhân là biện pháp chính nhằm bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga, cũng như cân bằng chiến lược và cán cân sức mạnh trên thế giới", ông nói.

Dự án tên lửa đạn đạo hạt nhân chiến lược RS-28 Sarmat được Nga phát triển vào đầu thập niên 2010, chúng dự kiến để thay thế dòng R-36 được Liên Xô phát triển trước đây.

Đây là một trong 6 "siêu vũ khí" được Tổng thống Putin giới thiệu đầu năm 2018, từng trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm trước đợt phóng thử quả đạn hoàn chỉnh ngày 20/4/2022.
RS-28 Sarmat là hệ thống tên lửa phóng từ hầm chứa (silo) của Nga với một tên lửa đạn đạo liên lục địa được trang bị động cơ đẩy nhiên liệu lỏng.
Hệ thống tên lửa này nặng 200 tấn và có trọng lượng ném khoảng 10 tấn.
Tên lửa RS-28 Sarmat có thể chọc thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào trong hiện tại và tương lai.
Với 15 đầu đạn hoạt động độc lập tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ, RS-28 Sarmat được coi là loại tên lửa hạt nhân kinh hoàng nhất mà con người từng chế tạo.
RS-28 Sarmat có sức công phá gấp hơn 400 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ từng ném xuống Nhật Bản vào năm 1945.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu đi vào biên chế, chỉ cần một tên lửa loại này có thể thổi bay cả một quốc gia nhỏ.
"Nga đã từng và vẫn đang là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới", Tổng thống Putin phát biểu với các khán giả tham dự buổi đọc thông điệp liên bang tổ chức tại Moscow.
"Các quốc gia khác chỉ lắng nghe Nga khi chúng ta phát triển các hệ thống vũ khí mới", hãng tin Sputnik dẫn lời ông Putin - "Vậy thì bây giờ họ hãy lắng nghe".
RS-28 Sarmat cũng là siêu tên lửa hạt nhân mạnh có tầm bắn xa nhất thế giới hiện nay khi lên tới 17.000km.
RS-28 Sarmat sử dụng "công nghệ hồi quyển đa đầu đạn phân hướng độc lập" (MIRV) để tấn công, nghĩa là mỗi đầu đạn mà nó mang theo có thể độc lập tấn công từng mục tiêu riêng rẽ.
Tùy thuộc vào vị trí triển khai trên không trung và cách thức di chuyển, mỗi đầu đạn có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách rất xa.
RS-28 Sarmat được thiết kế để vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại cũng như tương lai, nhằm bảo đảm khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga.
Điểm độc đáo của tên lửa hạt nhân RS-28 Sarmat là đường bay zích zắc khiến cho các hệ thống đánh chặn gần như "bất lực" khi đối phó với chúng.
Giới chức Nga hồi tháng 4/2022 cho biết những quả đạn đầu tiên dự kiến biên chế cho một đơn vị ở tỉnh Krasnoyarsk, cách thủ đô Moscow khoảng 3.000 km về phía đông.

Tổng cộng 46 hệ thống tên lửa RS-28 Sarmat dự kiến sẽ được bàn giao cho quân đội Nga.