Siêu tăng Altay sẽ đến tay Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2023

ANTD.VN - Sau rất nhiều khó khăn khi phát triển, siêu tăng Altay của Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã nhận đơn đặt hàng quy mô lớn.

Dự án chế tạo siêu tăng Altay của Thổ Nhĩ Kỳ đã được lên kế hoạch từ thập niên 1990 như chất xúc tác cho những nỗ lực của toàn bộ ngành công nghiệp quốc phòng quốc gia này.

Bản đồ họa công khai của chiếc xe chỉ được đưa ra vào năm 2010, trong khi nguyên mẫu đầu tiên hoàn thành lắp ráp vào năm 2012, nhưng phải tới tháng 5/2023, hai chiếc Altay đầu tiên mới được bàn giao cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ để thử nghiệm.

Quá trình này dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2025, sau đó việc sản xuất hàng loạt đối với dòng MBT này sẽ bắt đầu. Thông tin trên đã được công bố bởi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Recep Erdogan.

Quá trình phát triển lâu như vậy bởi chiếc xe tăng này chứa đựng trong mình tham vọng rất lớn của Ankara. Để chế tạo xe tăng Altay đòi hỏi ngành công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ phải thành thạo nhiều công nghệ cao.

Công việc khó khăn nhất là sản xuất vỏ giáp xe tăng, pháo 120 mm với chiều dài nòng gấp 55 lần đường kính (L/55), khung gầm, hệ thống điều khiển hỏa lực, cũng như tất cả các hệ thống con khác của xe.

Và cần lưu ý ngay rằng Thổ Nhĩ Kỳ không tiến hành dự án hoàn toàn độc lập mà họ dựa vào sự giúp đỡ của các công ty nước ngoài. Đặc biệt, một phần quan trọng diễn ra với sự hợp tác của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Ví dụ điển hình là công nghệ sản xuất pháo và thiết kế vỏ giáp bảo vệ được lấy từ Hyundai Rotem, trong khi công ty Samyang Comtech cũng tham gia lập kế hoạch tổng thể.

Vấn đề lớn nhất chính là động cơ phù hợp cho cỗ chiến xa nặng tới 65 tấn. Ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ dự định sử dụng động cơ MTU 1.500 mã lực của Đức với hộp số RENK, điều này sẽ cho phép tạo ra sự thống nhất nhất định với Leopard 2.

Nhưng loại động cơ này đã bị cấm xuất khẩu do lập trường của Berlin đối với cuộc chiến ở Syria với sự can dự của Ankara. Ngoài ra tình hình tương tự cũng đến với sự hợp tác cùng Pháp.

Chính quyền Ankara đã đặt cược vào nhà sản xuất nội địa - công ty BMC, đồng thời các cuộc đàm phán đã được tổ chức liên quan đến động cơ Ukraine thuộc dòng 6TD. Nhưng kết quả là sự lựa chọn đã được đưa ra theo hướng có lợi cho Hyundai Rotem.

Vào tháng 10/2022, Ankara quyết định động cơ Hyundai Doosan Infracore DV27K 1.500 mã lực và hộp số SNT Dynamics EST15K sẽ được lắp đặt trên những xe tăng đầu tiên. Rõ ràng kế hoạch trong tương lai là nội địa hóa việc sản xuất động cơ này tại các cơ sở của BMC.

Như vậy, tất cả các thành phần siêu tăng Altay có thể được coi đáp ứng yêu cầu thiết kế. Vũ khí - phiên bản được cấp phép của pháo CN08 cỡ 120 mm trên xe tăng K2 Black Panther.

Đi kèm với đó là hệ thống điều khiển hỏa lực Volkan III, hệ thống phòng vệ chủ động, thông tin, liên lạc tiên tiến, tổng cộng hơn 200 nhà thầu đến từ trong và ngoài nước sẽ cung cấp linh kiện cho cỗ chiến xa.

Kế hoạch chung cho việc sản xuất hàng loạt xe tăng Altay lên tới 1.000 chiếc, sẽ được chia thành bốn gói, mỗi gói 250 chiếc, điều này cho phép thực hiện các thay đổi bổ sung trong quá trình sản xuất và tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Mặc dù vậy cần lưu ý chúng ta đang nói về một chương trình kéo dài nhiều năm. Đối với giá thành, mức giá 13,75 triệu USD cho mỗi chiến xa được thiết lập vào năm 2016, khi bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 2025, con số này có thể tăng lên.

Nhưng trong trường hợp này, việc làm chủ công nghệ và năng lực, cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu về chế tạo xe tăng một cách độc lập, đối với Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng hơn tiền bạc.

Với chiếc Altay, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tự tin có trong biên chế một xe tăng chiến đấu chủ lực sánh ngang M1 Abrams, Leopard 2A7 hay T-14 Armata.