Sẽ xử lí doanh nghiệp không khám sức khỏe lái xe

ANTĐ - Sau Hải Phòng, hàng loạt các Sở GTVT trên cả nước sẽ thực hiện kiểm tra sức khỏe lái xe với trọng tâm là tình trạng lái xe sử dụng ma túy. Tuy nhiên, để có kết quả minh bạch, thực sự loại bỏ được những lái xe nghiện ma túy cần cách làm quyết liệt. Hà Nội cho biết, sẽ cắt nốt, đình chỉ khai thác với các doanh nghiệp không thực hiện việc này.

Kiểm tra trên đường khó có thể phát hiện lái xe nghiện hay không

Hàng chục nghìn lái xe sẽ phải khám sức khỏe

Ngay sau kết quả kiểm tra sức khỏe lái xe của Sở GTVT Hải Phòng với hơn 200 lái xe bị phát hiện nghiện ma túy, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phải tổ chức khám sức khỏe cho lái xe, trọng tâm về tình trạng nghiện ma túy, loại khỏi đội ngũ lái xe những người không đủ sức khỏe. 

Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng lái xe cũng như các doanh nghiệp (DN) vận tải hoạt động lớn. Ông Nguyễn Hồng Đạt, Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho hay, hiện tại, Hà Nội có 107 DN taxi với trên 17.000 xe, vận tải khách liên tỉnh cố định 704 DN với trên 4.000 phương tiện. Ngoài ra còn có trên 2.300 hợp tác xã vận tải, hộ cá thể được cấp phép và hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng hợp đồng với hơn 5.880 xe. Hơn 111 đơn vị vận tải hàng hóa bằng container với 790 xe. Cùng với đó là 12 đơn vị xe buýt với 1.300 xe. Có thể thấy, số lượng lái xe đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội lên tới hàng chục nghìn người. Vì vậy, việc kiểm tra sức khỏe mà trọng tâm là tình trạng lái xe nghiện hút được đánh giá là rất quan trọng.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, mặc dù khi tham gia đào tạo GPLX cũng như nộp hồ sơ xin việc, lái xe đều phải có Giấy khám sức khỏe, nhưng “hồ sơ học lái xe thì các trung tâm đào tạo làm trọn gói từ A đến Z, cả Giấy khám sức khỏe có thể đến rất nhiều trung tâm y tế để “mua”. Hiện tượng này đang diễn ra phổ biến”.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, việc khám sức khỏe định kỳ cho các lái xe đã được quy định trong luật nhưng nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm. “Tuy nhiên, Sở GTVT và Sở Y tế Hà Nội đã có kế hoạch liên ngành, thực hiện khám sức khỏe cho toàn bộ lái xe tại các DN vận tải trên địa bàn TP. Sở Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể, như kiểm tra sức khỏe ở đâu, khám những mục gì….”, lãnh đạo Sở GTVT cho hay. Những khu vực nào tập trung nhiều DN vận tải, năng lực các trung tâm y tế không đáp ứng hết, Sở Y tế sẽ bổ sung nhân lực và phương tiện hỗ trợ để mọi việc hoàn tất trước ngày 30-4.

Có thể cắt nốt, đình chỉ khai thác

Tuy vậy, ông Nguyễn Hoàng Linh băn khoăn, việc kiểm tra lái xe sử dụng chất gây nghiện sẽ gặp khó khăn, đặc biệt từ phía các DN vận tải. “Chất kích thích sử dụng sau 24h sẽ phân hủy hết, kiểm tra không cho kết quả. Vì vậy, muốn chính xác chỉ có kiểm tra đột xuất. Muốn làm được như vậy phải dùng que thử, nhưng mỗi chất  gây nghiện lại có loại que thử khác nhau, giá dao động từ 40.000-100.000 đồng/que. Chi phí không nhỏ và cách làm cũng không đơn giản”. Sở GTVT đã đề nghị Sở Y tế có hướng dẫn cụ thể, gửi tới từng DN vận tải để thực  hiện, đồng thời, sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm lực lượng GTVT, Công an và Y tế kiểm tra đột xuất, kiên quyết loại bỏ những lái xe không đủ sức khỏe theo quy định, lái xe sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện. “Những DN vận tải nào không tổ chức khám sức khỏe cho lái xe, không có sổ theo dõi việc khám sức khỏe định kỳ sẽ bị xử lý”, ông Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh. 

Ngoài ra, Sở GTVT đã gửi văn bản đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành có xe đi/đến Hà Nội thông báo cho các DN, sau ngày 30-4, đơn vị vận tải nào có lái xe vi phạm về quy định kiểm tra sức khỏe, Sở GTVT Hà Nội sẽ xử lý. Tùy theo mức độ vi phạm, Sở GTVT Hà Nội sẽ đề nghị xem xét, xử lý thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác hoặc cắt nốt.