Sau vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh bị hủy, quyền lợi nhà đầu tư được bảo đảm ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau vụ trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ do công bố thông tin sai sự thật, điều được nhiều người quan tâm hiện nay là nhà đầu tư sẽ nhận lại tiền thế nào? Pháp luật hiện hành quy định ra sao về việc đảm bảo quyền lợi của nhóm đối tượng này?

Theo Khoản 3 Điều 28 Luật Chứng khoán - 2019, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chào bán chứng khoán ra công chúng bị hủy bỏ, tổ chức phát hành phải công bố việc hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng theo phương thức quy định tại khoản 3 Điều 25 của Luật này và phải thu hồi chứng khoán đã phát hành, đồng thời hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ. Hết thời hạn này, tổ chức phát hành phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết với nhà đầu tư.

Theo đó, khi huỷ bỏ đợt chào bán trái phiếu thì tổ chức phát hành trái phiếu phải công bố việc huỷ bỏ này ra công chúng trên một tờ báo điện tử, hoặc 3 số liên tục trên báo in trong thời hạn 7 ngày.

Bên cạnh đó, tổ chức phát hành trái phiếu cũng phải thu hồi chứng khoán đã phát hành và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị huỷ bỏ.

Ngoài việc hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, hết thời hạn này, tổ chức phát hành còn phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết - Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Trái phiếu Tân Hoàng Minh bị hủy khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang lo lắng

Trái phiếu Tân Hoàng Minh bị hủy khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang lo lắng

Về việc nhận lại tiền của nhà đầu tư, theo quy định hiện hành, với Hợp đồng đến hạn thanh toán sẽ hoàn trả tiền đầu tư của nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất.

Còn với Hợp đồng chưa đến hạn thanh toán, doanh nghiệp phát hành sẽ phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, ngân hàng quản lý tài sản để xử lý và hoàn trả lại khách hàng theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan chức năng trên tinh thần thiện chí và tuân thủ quy định của pháp luật.

Về chế tài xử lý đối với đơn vị phát hành trái phiếu có hành vi công bố sai thông tin, theo Luật sư Hồng Vân, tuỳ theo tính chất, mức độ, hậu quả, đơn vị này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Về phạt hành chính, theo Điều 42 Nghị định 156/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi điểm c khoản 33 Điều 11 Nghị định 128/2021 về vi phạm quy định công bố thông tin, mức phạt tiền từ 100-200 triệu đồng áp dụng với hành vi công bố thông tin sai lệch.

Phạt tiền từ 200-300 triệu đồng với hành vi tạo dựng thông tin sai sự thật, hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Ngoài ra, đơn vị vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán, văn phòng đại diện, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán, giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 1-3 tháng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tổ chức phát hành trái phiếu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán theo Điều 209 BLHS 2015 sửa đổi.

Theo đó, người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 100-500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 2 năm

Phạm tội có tổ chức; gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3 tỷ đồng trở lên, hoặc thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt tiền từ 500 triệu - 5 tỷ đồng, có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ từ 1 - 3 năm.