Sau nhóm chiến hạm tại Tartus, máy bay ném bom tầm xa Nga cũng "biến mất bí ẩn"

ANTD.VN - Những hình ảnh vệ tinh chụp căn cứ không quân Nga ở miền Tây nước này cho thấy sự biến mất bí ẩn của các máy bay ném bom tầm xa được Moskva triển khai tại đây.

Phát biểu trên Al-Masdar News, nhà phân tích quốc phòng Babak Taghvaee cho biết, 3 chiếc máy bay ném bom tầm xa Nga đã rời khỏi căn cứ không quân của họ ở Tây Nam nước Nga hôm 12/4 và bay đến một địa điểm chưa xác định.

Trong 3 phi cơ chiến lược này có 1 chiếc Tu-95MS cánh quạt và 2 chiếc còn lại là máy bay ném bom chiến lược siêu âm Tu-160 có khả năng phóng tên lửa hành trình tầm xa.

Động thái này của Nga đang đặt ra cho giới quan sát nhiều câu hỏi lớn, nhất là khi mới đây nhóm tàu chiến Nga đóng tại quân cảng Tartus trên đất Syria cũng biến mất đầy bí ẩn.

Ban đầu có nhận định rằng nhóm chiến hạm ra biển để tập trận, nhưng thật bất ngờ, theo Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Duma quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Vladimir Shamanov, các tàu của Nga đã rời căn cứ ở Địa Trung Hải chỉ để đảm bảo an toàn. 

Ông Shamanov cho biết thêm đây là một hành động bình thường khi xuất hiện các mối đe dọa về một cuộc tấn công. Như vậy trái với nhận định ban đầu, nhóm tàu chiến Nga đơn giản đang thực hiện cuộc "di tản chiến thuật".

Đích đến của nhóm chiến đấu cơ Nga chưa được xác định, trong khi phương tiện trinh sát của phương Tây không thể phát hiện phi đội máy bay này hạ cánh xuống căn cứ quân sự nào, chỉ nhận ra chúng rời khỏi căn cứ bằng hình ảnh vệ tinh thu được.

Tuy nhiên khả năng rất lớn những chiếc Tu-95MS và Tu-160 được hộ tống bởi Su-35S và máy bay tiếp dầu Il-78 đã bay đến căn cứ không quân Hamedan ở phía tây Iran để chuẩn bị cho một cuộc chiến quy mô lớn có thể xảy ra nếu Mỹ phát động tấn công Syria.

Đây cũng là điều tương đối hợp lý vì căn cứ không quân Hmeimim trên đất Syria có thể sẽ trở thành mục tiêu không kích và Nga cần di tản nhóm máy bay của mình ở đó sang đất Iran.

Đóng quân trên lãnh thổ Iran ít nhất cũng tạm thời đảm bảo an toàn nếu trường hợp căn cứ Hmeimim bị các loại tên lửa tầm xa của Mỹ và Anh, Pháp "san phẳng".

Nhưng hành động này cũng bị đặt câu hỏi là Nga có thực lòng muốn bảo vệ đồng minh Syria hay không, vì nếu như lực lượng Nga đã ra đi thì không có lý do gì họ phải trả đũa Mỹ vì "đe dọa tính mạng" lính Nga.

Tức là trong trường hợp này, phòng không Syria sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với việc bảo vệ không phận của họ vì đồng minh thân thiết đã rút hết lực lượng đi.

Chính vì vậy, những động thái điều quân của không quân, hải quân Nga cùng các tuyên bố đầy "chất thép" của giới chức quân sự nước này bị cho là mang nhiều ý nghĩa biểu tượng hơn là thực chất.