- Dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân 7.600 tỷ đồng: Nên khai tử hay hồi sinh?
- Đường sắt Yên Viên - Cái Lân "ngốn" hàng nghìn tỷ nhưng không phát huy hiệu quả
- Có cần thiết làm siêu dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng 100.000 tỷ đồng?
Trả lời kiến nghị liên quan đến việc đầu tư đường sắt Hà Nội - Lào Cai khổ tiêu chuẩn 1.435mm, Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược, Quy hoạch phát triển GTVT đường sắt Việt Nam.
Các chiến lược, quy hoạch này, đã định hướng nghiên cứu đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài khoảng 380km, điện khí hóa, khổ 1.435mm, trong đó có đoạn Hà Nội - Lào Cai.
Tuyến đường sắt này sẽ kết nối với cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng để đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường sắt trên hành lang Đông - Tây, tạo động lực phát triển và tăng cường kết nối hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.
Siêu dự án đường sắt Yên Viên- Hạ Long đang dở dang, gây lãng phí lớn
Đồng thời, quy hoạch cũng xác định lộ trình dự kiến nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này trong giai đoạn sau 2020. Vì vậy vừa qua, Bộ GTVT chưa triển khai các thủ tục để chuẩn bị đầu tư dự án.
Bộ GTVT cũng cho biết, trường hợp có nhà đầu tư quan tâm để sớm triển khai tuyến đường sắt trên, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương liên quan để nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Với quy mô dự án lớn, trước mắt để chủ động trong triển khai thực hiện, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với tư vấn hỗ trợ kỹ thuật phía Trung Quốc nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt này;
Đồng thời làm việc với các địa phương để lấy ý kiến thỏa thuận về phương án hướng tuyến, vị trí nhà ga… làm cơ sở dành quỹ đất phục vụ dự án đầu tư trong tương lai.
Được biết, tư vấn lập quy hoạch dự kiến toàn tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ 1435mm có chiều dài 392km với 38 ga, chạy chung tàu khách và tàu hàng. Tuyến đi qua 8 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng, điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, đây chỉ là con số dự kiến phía tư vấn lập quy hoạch đưa ra; Đến giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi dự án mới đưa ra được tổng mức đầu tư chính thức.