Sau khi chiến hạm bắn cảnh cáo, trực thăng Ka-29 Nga liền đổ bộ lên tàu hàng trên biển Đen

ANTD.VN - Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiến hạm nước này đã bắn cảnh cáo một tàu chở hàng treo cờ Palau ở tây nam Biển Đen, sau đó trực thăng Ka-29 đã được lệnh đổ bộ lên tàu hàng này. 
Trực thăng Ka-29 của Nga đã được lệnh đổ bộ lên tàu hàng Sukru Okan sau khi chiến hạm Vasily Bykov đã bắn cảnh cáo buộc chiếc tàu hàng mang cờ Palau phải dừng lại.

Tàu tuần tra Vasily Bykov đã bắn bằng súng tự động vào tàu "Sukru Okan" sau khi thuyền trưởng không phản hồi yêu cầu dừng lại để kiểm tra, Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/8/2023 thông báo.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, tàu Sukru Okan đang trên đường tới cảng Izmail của Ukraine.

"Sau khi nhóm kiểm tra hoàn thành các công việc cần thiết, tàu Sukru Okan tiếp tục lên đường đến cảng Izmail", Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm.

Cơ sở dữ liệu hàng hải cho thấy Sukru Okan là tàu treo cờ Palau với trọng tải hơn 2.100 tấn, đậu thường trực tại cảng Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga tháng trước từ bỏ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán hồi năm ngoái. Moscow cũng thu hồi mọi đảm bảo về an toàn hàng hải liên quan.

Nga cảnh báo tất cả tàu hướng đến cảng Ukraine giáp Biển Đen đều có thể bị coi là phương tiện vận chuyển hàng quân sự, bên cạnh đó Moscow cũng tăng cường lực lượng kiểm soát hàng hải trong đó có trực thăng Ka-29.

Trực thăng hạm Ka-29 được Liên Xô phát triển vào những năm 1970, đến nay chúng đã được hải quân Nga hiện đại hoá sâu, sau khi gọi tái ngũ.

Nhằm chống lại tàu ngầm và tàu mặt nước của đối phương cũng như tiến hành các hoạt động cứu hộ trên biển, Liên Xô đã quyết định chế tạo trực thăng hạm Ka-29 dựa trên cơ sở trực thăng Ka-27.
Ban đầu phương tiện này được đặt tên là Ka-27TB, do kiến trúc sư trưởng Sergei Fomin phụ trách vào năm 1973. Nguyên mẫu đầu tiên đã bay lên bầu trời vào mùa hè năm 1976.
Vào tháng 5/1979, trực thăng Ka-29 được đưa vào sản xuất loạt và chính thức trang bị vào năm 1980.
Liên Xô quyết định trang bị trực thăng đa năng này cho các tàu đổ bộ cỡ lớn thuộc Đề án 1174, ngoài ra, chúng trở thành một phần của các nhóm tuần dương hạm mang máy bay chiến đấu của quân đội Liên Xô.
Trực thăng hạm Ka-29 là được chế tạo theo thiết kế 2 cánh quạt đồng trục nhằm tăng sức cơ động.
Thân máy bay hoàn toàn bằng kim loại, thuộc loại nửa liền khối, với kích thước hình học nhỏ gọn.
Để tiện cho việc triển khai trên hạm, Ka-29 được trang bị hệ thống cánh quạt gấp.
Đồng thời bộ hạ cánh của Ka-52K được thiết kế đặc biệt để cất cánh và hạ cánh trên boong.
Ka-29 được trang bị 2 động cơ tuốc bin TV3-117KM, đạt công suất 1.700 mã lực giúp trực thăng có thể cơ động với vận tốc 280km/h. Phạm vi hoạt động 180km, trần bay thực tế đạt 5.000m.
Về đặc điểm kỹ thuật, Ka-29 có chiều dài 11,6m, chiều cao 5,4m, trọng lượng cất cánh tối đa là 11.500kg.
Phi hành đoàn điều khiển trực thăng gồm có 2 người: phi công và người điều khiển vũ khí. Ka-29 có thể vận chuyển hàng hóa lên đến 4 tấn.
Trực thăng Ka-29 được trang bị hệ thống chữa cháy tự động và các bình chữa cháy cầm tay để dập tắt các đám cháy trong buồng lái.
Buồng lái Ka-29 có giáp bảo vệ theo tiêu chuẩn của trực thăng tấn công trước loại đạn 7,62mm. Ngoài ra, hệ thống điện tử PKV-252 trang bị trên Ka-52 cho phép điều khiển trực thăng bay tự động và bán tự động.
Tổ hợp dẫn đường NKV-252 gồm la bàn vô tuyến, hệ thống định vị đèn hiệu vô tuyến, máy đo tốc độ Doppler và máy đo độ cao vô tuyến.
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã dần rút những chiếc trực thăng này ra khỏi biên chế, tuy nhiên, những năm gần đây Nga đã quyết định tái biên sau khi đã nâng cấp chúng.
Về trang bị vũ khí, trực thăng Ka-29 cho phép mang tối đa 8 tên lửa chống tăng có điều khiển 9M114 (NATO định danh là AT-6 Spiral) đạt tầm bắn 400-5.000m và các ống phóng rocket cỡ 57mm.
Ngay cạnh cabin có thể lắp thêm cụm pháo tốc độ cao 30mm 2A42 với 250 viên đạn có khả năng xuyên thủng giáp tăng hạng nhẹ, xe thiết giáp, diệt bộ binh địch.
Ngoài ra, Ka-29 cũng có thể lắp thêm súng máy GShG-7.62 4 nòng cỡ 7,62mm với 1.800 viên đạn.
Dù đã có Ka-52K cực hiện đại, nhưng trực thăng Ka-29 vẫn tìm được chỗ đứng nhất định của mình trong lực lượng Không quân Hải quân Nga.
Ka-29 thường được Nga triển khai cho hoạt động của lính đặc nhiệm trong tác chiến trên biển.
Ngoài hải quân Nga, trực thăng Ka-29 hiện cũng còn trong biên chế lực lượng vũ trang Ukraine với số lượng tương đối nhỏ.