Sau 5 ngày Quy định xử lý hút thuốc lá có hiệu lực: Lại dẫm vào vết xe đổ!

ANTĐ - Kể từ ngày 1-5, Luật phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực. Tuy nhiên theo khảo sát của PV An ninh Thủ đô, tại các bệnh viện, trường học, nơi bị cấm hút thuốc lá, tình trạng hút thuốc vẫn diễn ra tràn lan, không ai xử phạt. Sau một tuần Luật phòng chống thuốc lá có hiệu lực trên cả nước hiện vẫn chưa có một trường hợp nào bị xử phạt, nhiều người còn không hề biết  việc hút thuốc lá tại nơi công cộng sẽ bị phạt.

Vẫn vô tư nhả khói

Chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương vào một buổi sáng. Người bệnh đến khám đông nghịt, chật kín hàng lang và khuôn viên bệnh viện. Tuy nhiên không khó để bắt gặp cảnh những người đàn ông trong lúc chờ vợ khám vẫn vô tư phì phèo điếu thuốc. Mặc dù theo quy định từ ngày 1-5, những phạm vi có quy định cấm hút thuốc lá là khuôn viên bao gồm cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, bến xe… Thấy anh Nguyễn Mạnh Tiến, Đông Anh, Hà Nội trong lúc chờ vợ khám châm điếu thuốc hút, khi được hỏi thì anh nói: Tôi chưa nghe thấy quy định này bao giờ. Mà tôi thấy có ai đứng đây phạt đâu. Mọi người vẫn hút bình thường mà. Mặc dù trước mặt anh là tấm biển: “Không hút thuốc lá trong bệnh viện” được treo ngay lối vào khu khám bệnh nhưng xem ra có cũng như không.

Tại một quán cà phê trên đường Trần Hưng Đạo, một tốp thanh niên khoảng 14-15 tuổi miệng cũng phì phèo thuốc lá. Khi được hỏi các em trả lời luôn: Người lớn cũng được hút thuốc sao lại cấm trẻ em. Mà em thấy có ai đứng ở đây xử phạt đâu. 

Bên cạnh đó, mặc dù từ ngày 1-5, việc in hình cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo thông tư liên tịch của hai bộ Công thương - Y tế được triển khai, nhưng ghi nhận trên thị trường thuốc lá vẫn không có gì thay đổi. Theo bà Nguyễn Hương Loan, bán hàng tạp hóa trên đường Lê Duẩn hiện vẫn chưa nhận được các mẫu bao thuốc lá mới của các nhà sản xuất. 

Khó xử lý

Tại hội nghị triển khai Luật phòng chống tác hại thuốc lá vừa được Bộ Y tế tổ chức ở Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang đã thông báo nhiều quy định mới rất mạnh mẽ nhằm giảm hút thuốc lá. Theo đó, Luật phòng chống tác hại thuốc lá cấm quảng cáo, tiếp thị thuốc lá, cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Ở những địa điểm công cộng cho phép hút thuốc lá, luật yêu cầu thành lập khu vực dành riêng cho người hút thuốc, có biển báo hướng dẫn, cách biệt với khu vực chung, có hệ thống thông khí hai chiều để không ảnh hưởng đến người xung quanh.

Theo quy định của luật, các địa điểm cấm hút thuốc lá công cộng hoàn toàn, gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục (trừ trường cao đẳng, đại học, học viện); cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng, phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.

Những hành vi: hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá, sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi bán cung cấp thuốc lá chưa đủ 18 tuổi và sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá.

Cũng theo quy định, các cơ quan có thầm quyền về xử lý vi phạm hành chính là các cơ quan thanh tra liên ngành về y tế từ trung ương tới địa phương; các cơ quan quản lý thị trường; cơ quan công an và UBND các cấp. Các cơ quan này đều có thẩm quyền xử phạt và việc xử phạt đó đều phải tuân thủ các quy định về trình tự thủ tục xử lý vi phạm hành chính trong đó có trình tự lập biên bản xử phạt. Người vi phạm phải có trách nhiệm nộp tiền phạt tại các kho bạc của cơ quan đăng ký xử phạt. Tất cả tiền phạt đều được thu vào ngân sách Nhà nước, và sẽ có sự phân chia ngân sách lại cho ngành y tế, từ đó có được nguồn kinh phí để thực hiện Luật PCTHTL. 

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là việc xử phạt như thế nào cho hiệu quả, lực lượng thanh tra y tế vừa ít vừa mỏng, thì lấy đâu ra người xử phạt? Trong khi đó, cơ quan quản lý thị trường và lực lượng công an, không phải lúc nào cũng tổ chức lực lượng đi phạt người hút thuốc lá. Hơn nữa, việc yêu cầu người bị phạt đến kho bạc nộp tiền phạt là không khả thi. Với lĩnh vực vi phạm trong giao thông, người điều khiển phương tiện phải mang biên lai nộp phạt từ kho bạc thì mới được trả lại giấy tờ, bằng lái xe, … Do đó, bắt buộc người vi phạm phải thực thi nghĩa vụ nộp phạt. Còn với người hút thuốc lá, họ có không bị ràng buộc gì để phải lên kho bạc nộp phạt? Đây là câu hỏi chưa được giải đáp. Không những thế việc xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng  theo kiểu “bắt quả tang” là hết sức khó khăn: Người hút thuốc chỉ hút 1-2 phút là xong một điếu thuốc, thậm chí chỉ châm lửa rồi hút 1-2 hơi rồi bỏ, hoặc khi thấy có thể bị phạt, họ vứt luôn đầu mẩu thuốc lá đi. Thời gian diễn ra hành vi vi phạm ngắn, số lượng vi phạm lại đông, nên việc xử phạt khó có thể tiến hành đầy đủ, kịp thời. Đây cũng là lý do khiến cơ quan chức năng chỉ xử phạt được hơn 10 người trong vòng suốt hơn 1 năm qua, kể từ ngày 1-1-2010, khi quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng có hiệu lực. Tuy nhiên đại diện của Bộ Y tế lại cho rằng không có nước nào đủ lực lượng xử lý mà phải có xử phạt điểm để người dân biết hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm là bị phạt. Chủ yếu vẫn là giáo dục, thuyết phục là chính.

Một điểm nhấn trong luật là quy định thành lập quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, với kinh phí năm đầu tiên 200-210 tỉ đồng, tương đương 1% giá thành sản xuất/nhập khẩu tổng lượng thuốc lá bán ra ở Việt Nam, để thực hiện các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, hiện dự thảo quy chế hoạt động của quỹ mới được trình lên Chính phủ, dự kiến phải hai tháng nữa quỹ mới có thể ra mắt và 5-6 tháng nữa mới vận hành nhịp nhàng.

Luật thì đã có hiệu lực, nhưng còn quá nhiều vấn đề còn lúng túng, các quy định đưa ra thiếu tính khả thi, luật khó đi vào cuộc sống. Thế nên dự luận mới lo ngại: lại thêm một quy định chỉ để cho có. Lại dẫm vào vết xe đổ.

Luật sư Nguyễn Hải Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Tăng thuế là biện pháp hữu hiệu nhất

Theo quy định, chính quyền các cấp sẽ giám sát, xử phạt người vi phạm. Quản lý thị trường, công an… cũng là một trong những đơn vị được giao thực hiện nhưng lực lượng này còn mỏng, lo việc thanh kiểm tra xử phạt hàng giả, tội phạm… còn không hết thì làm sao có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm để xử phạt hành vi hút thuốc. Để thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá, tránh vết xe đổ trước đây, cần phải tăng cường thêm nhân lực, tức phải tăng ngân sách chi lương. Để cấm các hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng, trước hết cần siết chặt việc bán thuốc lá tràn lan trên thị trường hiện nay. Một khi việc buôn bán thuốc lá lậu còn dễ dàng thì hành vi hút thuốc lá vẫn khó có khả năng được kiểm soát. Việc phòng chống hút thuốc lá phải từ nhiều hướng: giáo dục kiến thức để người hút thuốc lá biết tác hại của thuốc lá với sức khỏe của mình và người khác; người không hút thuốc cũng cần phải biết tác hại khi mình sống trong môi trường có khói thuốc lá, bởi họ sẽ là những người lên tiếng bảo vệ cho môi trường sống trong lành của cộng đồng trước những người hút thuốc lá; có chế tài, xử phạt rõ ràng; truyền thông đại chúng, nhất là phim ảnh, không nên gián tiếp cổ xúy cho việc hút thuốc lá. Và một biện pháp quan trọng mà Nhà nước cần tính tới là áp mức thuế cao đối với thuốc lá.