Sau 27-4 mới phân chia các ứng cử viên về đơn vị bầu cử

ANTĐ -  Tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 19-4 về công tác chuẩn bị bầu cử của thành phố Hà Nội, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ bầu 30 đại biểu Quốc hội từ danh sách 50 người ứng cử.

Theo Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, hội nghị hiệp thương lần thứ ba do Hà Nội tổ chức đã nhất trí danh sách 38 người có tín nhiệm cao tại hội nghị hiệp thương lần ba đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội. Trong đó, có 16 người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ (tỷ lệ 42,10%), 11 người là thạc sĩ (28,95%), 11 người có trình độ đại học (28,95%). Danh sách có 15 người là nữ (39,47%), 2 người dân tộc Mường (5,26%), 3 người ngoài đảng (7,89%), 5 người tái cử (13,16%).

Đối với người ứng cử đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, hội nghị hiệp thương lần ba đã biểu quyết 100% đưa ra ngoài danh sách 21 người có đơn xin rút, 3 người có tín nhiệm không đạt yêu cầu và 1 người chưa gương mẫu chấp hành chính sách pháp luật. Như vậy, số người ứng cử đại biểu HĐND TP còn lại trong danh sách 180 người. Kết quả biểu quyết lựa chọn trong 180 người có 179 người đạt tỷ lệ 100%, 1 người đạt tỉ lệ 0%. Hội nghị hiệp thương đã nhất trí danh sách 179 người có tín nhiệm cao đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021.

Về chất lượng đại biểu ứng cử HĐND, có 28 người có trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ (15,64%), 93 người có trình độ thạc sĩ (51,96%), 57 người có trình độ đại học (31,84%), 1 người có trình độ PTTH (0,56%)

Về cơ cấu kết hợp, có 66 người là nữ (36,87%), 3 người dân tộc Mường (1,68%), 26 người ngoài đảng (14,53%), tôn giáo 3 người (1,68%), 22 người trẻ dưới 35 tuổi (12,29%), 25 người tái cử (19,55%).

          Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội trao đổi với báo chí

Trao đổi với báo chí về bầu cử đại biểu Quốc hội, ông Bùi Anh Tuấn cho biết, thành phố Hà Nội được Trung ương phân bổ bầu 30 vị đại biểu Quốc hội, trong đó có 13 người do Trung ương giới thiệu về bầu tại Hà Nội và 17 người do thành phố giới thiệu. Mỗi đơn vị bầu cử tại Hà Nội phải đảm bảo số dư tối thiểu là 2. Như vậy, với 10 đơn vị bầu cử, Hà Nội sẽ có 50 ứng viên để lựa chọn bầu 30 đại biểu.

Sau hiệp thương lần thứ ba, Hà Nội đã chọn được 38 ứng cử viên, cộng thêm 13 ứng viên do Trung ương giới thiệu, tức là nhiều hơn 1 ứng cử viên so với tổng số ứng viên sẽ đưa ra bầu. Về trường hợp này, ông Bùi Anh Tuấn cho biết, trong số 38 ứng cử viên vừa được thành phố nhất trí, có 1 người dự phòng. “Theo quy định của luật, để đảm bảo số ứng viên để bầu, sẽ bố trí trường hợp như vậy để dự phòng cho những trường hợp bất khả kháng, rủi ro có thể xảy ra như có ứng cử viên nào đó đột nhiên không đảm bảo sức khỏe chẳng hạn” – ông Bùi Anh Tuấn nói.

 Cũng theo đại diện Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, sau ngày 27-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi danh sách các ứng cử viên khối Trung ương tham gia bầu cử tại Hà Nội. Sau đó, thành phố mới phân chia các ứng viên tham gia theo khu vực bỏ phiếu, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, đúng quy định của luật. 
Trả lời những câu hỏi liên quan đến nhà báo Trần Đăng Tuấn, người tự ứng cử bị loại ở hội nghị hiệp thương lần 3, ông Bùi Anh Tuấn cho biết, những người tự ứng cử hay người được giới thiệu đều có quyền bình đẳng như nhau và việc lấy phiếu tín nhiệm ở nơi cư trú hay nơi làm việc là thực hiện theo quy định của luật.
“Các ứng viên phải thực hiện đủ các bước đó mới đủ tiêu chuẩn để vào hiệp thương lần 3. Ứng viên nhận được ít hay nhiều tín nhiệm là do đại biểu dự hội nghị hiệp thương lần 3 quyết định. Chúng tôi đã thực hiện đúng quy định. Hình thức bỏ phiếu cũng do hội nghị quyết định và hội nghị đã lựa chọn hình thực giơ tay biểu quyết" - ông Bùi Anh Tuấn nói.
“Trong những người tiêu biểu thì phải lựa chọn những người tiêu biểu hơn. Qua cảm nhận các đại biểu thấy rằng những ứng viên có thể đóng góp cho đất nước được nhiều hơn, xây dựng những quyết sách lớn cho đất nước thì đó là quyền của đại biểu dự hội nghị hiệp thương”, ông Bùi AnhTuấn lý giải.