Tại báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chính phủ đã thông tin về việc thực hiện phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Theo báo cáo, Chính phủ đã hoàn thiện phương án chuyển giao đối với hai ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng TNHH MTV Đại dương (OceanBank).
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 ngày 7/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị sẵn sàng tài liệu tổ chức lễ chuyển giao hai ngân hàng 0 đồng sau một giai đoạn dài khó khăn.
Hai ngân hàng còn lại, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện nhanh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị tổ chức lễ chuyển giao 2 ngân hàng 0 đồng |
Đến thời điểm hiện tại, theo thông tin ban đầu, hai “ông lớn” sẽ thực hiện phương án nhận chuyển giao có thể là Vietcombank và MB.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng (nay là Chủ tịch HĐQT) cho biết, ngân hàng đã hoàn thiện phương án, đang trình NHNN phê duyệt.
Trong đó, Vietcombank đã thành lập tiểu ban nghiệp vụ; tiểu ban rà soát mạng lưới, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực với cán bộ quản lý, nhân viên; tiểu ban rà soát giải pháp hỗ trợ đối với bán buôn, bán lẻ cho tổ chức tín dụng yếu kém nhận chuyển giao. Đồng thời, cử chuyên gia đồng hành cùng TCTD yếu kém để đánh giá chất lượng, năng lực, có giải pháp nâng cao chất lượng, đảm bảo hoạt động liên tục, hạn chế rủi ro.
Nói thêm, ông Đỗ Việt Hùng - Thành viên HĐQT Vietcombank cho biết, tiến độ chuyển giao tùy thuộc vào quyết định Chính phủ, NHNN. Dự kiến việc chuyển giao sẽ được thực hiện trong năm 2024.
Dù chưa chính thức công bố về danh tính ngân hàng mà nhà băng này sẽ nhận chuyển giao bắt buộc, song hiện Vietcombank đang hỗ trợ cho vay và hỗ trợ toàn diện CBBank, từ thay đổi về mô thức quản trị, hệ thống công nghệ, đến hệ thống sản phẩm dịch vụ và hình ảnh thương hiệu…
Trong khi đó, tại MB, Tổng giám đốc Phạm Như Ánh cũng thông tin rằng đã hoàn tất thủ tục nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém, kỳ vọng sẽ hoàn thành trong năm 2024 hoặc 2025. Ban lãnh đạo MB cũng khẳng định nhà băng này "sẵn sàng với nhiệm vụ được giao, chỉ còn chờ Chính phủ duyệt".
Cũng như Vietcombank, lãnh đạo MB chưa tiết lộ danh tính ngân hàng được chuyển giao, song theo quan sát thì đó chính là OceanBank.
Tại nhiều Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh của OceanBank, các lãnh đạo cao nhất của MB là ông Lưu Trung Thái và ông Phạm Như Ánh đều tham dự. Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái từng cho biết: Việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB.
Liên quan đến các tổ chức tín dụng yếu kém khác, Chính phủ cho biết, đang tiếp tục hoàn thiện phương án chuyển giao đối với hai ngân hàng còn lại là Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank).
Đối với ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), NHNN đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại.
Theo Chính phủ, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu còn chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng Đông Á nói riêng còn nhiều bất cập.