- Áp lực nợ xấu thêm nặng vai ngân hàng sau bão lũ
- Nợ xấu ngân hàng tiến đến vùng đỉnh lịch sử, tỷ lệ bao phủ xuống đáy kể từ đại dịch Covid-19
- VIS Rating: Các ngân hàng nhỏ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nợ xấu và thanh khoản
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên (Công ty Tài Nguyên).
Dư nợ của Công ty Tài Nguyên tại BIDV tính đến ngày 26/7/2024 là hơn 5.720 tỷ đồng. Trong đó dư nợ gốc là 2.506 tỷ đồng, dư nợ lãi là 3.214 tỷ đồng. Khoản nợ này được hình thành theo 8 hợp đồng tín dụng từ năm 2005 đến năm 2020.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ gồm: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Khu dân cư Phước Nguyên Hưng (nay là dự án Kenton), xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM (ngoài BIDV, dự án này còn được thế chấp tại MSB và PVCombank); và hợp đồng thế chấp bằng tải sản của bên thứ ba là quyền tài sản về khai thác mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
BIDV chưa thể thu hồi khoản nợ 5.700 tỷ đồng từ Công ty Tài Nguyên |
BIDV cho biết, hồi đầu năm 2022, ngân hàng đã khởi kiện Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên tại Tòa án nhân dân Quận 1, TP.HCM. Tháng 3/2020, TAND Quận 1 đã có thông báo về việc thụ lý vụ án về việc "Tranh chấp hợp đồng tín dụng". BIDV đã thực hiện nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí tòa án với số tiền gần 2,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 23/4/2024, TAND Quận 1 đã có Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nêu trên.
BIDV đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ của Công ty Tài Nguyên là hơn 4.904 tỷ đồng. Tiền đặt trước 10% là hơn 490 tỷ đồng.
Được biết, Công ty Tài Nguyên được thành lập vào ngày 29/3/1996 với vốn điều lệ ban đầu là 2 tỷ đồng, sau nhiều lần tăng vốn lên 1.450 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này được biết đến với một số dự án điển hình như: Cao ốc văn phòng VINATEX – TÀI NGUYÊN, Dự án Evergreen, Thành phố Global – Hà Tây…
Người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch hội đồng thành viên là ông Vũ Anh Tâm. Ngoài Công ty Tài Nguyên, ông Vũ Anh Tâm còn là chủ sở hữu Công ty CP Xây dựng và Vật liệu xây dựng Hà Tây.
Về dự án là tài sản thế chấp của Công ty Tài Nguyên tại BIDV có tên đầy đủ là Khu phức hợp khách sạn Kenton Node (hay Kenton Node Hotel Complex), quy mô 10,8 ha, được khởi công từ năm 2009 với quy mô 9 tòa nhà, 1.640 căn hộ, tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với tên gọi biết đến đầu tiên là Kenton Residences.
Đáng nói, cuối tháng 2/2022 (thời điểm BIDV khởi kiện Công ty Tài Nguyên, dự án được chuyển sang cho Novaland phát triển với tên thương mại mới là Grand Sentosa. Dù được kỳ vọng “ông lớn” Novaland sẽ hồi sinh dự án này, song thực tế đến nay vẫn không có nhiều tiến triển.