Áp lực nợ xấu thêm nặng vai ngân hàng sau bão lũ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một số ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian cơ cấu nợ tại Thông tư 06, giúp khách hàng có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh sau bão lũ.

Lo nợ xấu “xấu hơn”

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức 4,75%, tăng so với mức 4,55% vào cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022. Trong đó, riêng khối NHTM cổ phần tư nhân đến cuối tháng 6/2024 có nợ xấu nội bảng là 633 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2023, chiếm 79,65% nợ xấu nội bảng toàn hệ thống TCTD; tỷ lệ nợ xấu khối này lên đến 7,77%.

Nhìn vào bức tranh tài chính của ngành ngân hàng đến cuối quý II, cũng có thể thấy nợ xấu vẫn là bài toán đau đầu của nhiều nhà băng. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết và Agribank, theo thống kê, đã tăng mạnh khoảng 20,8% so với cuối năm 2023.

Đáng nói, con số nợ xấu trên thực tế sẽ còn cao hơn đáng kể so với số liệu công bố nêu trên, do một phần không nhỏ đang nằm trong các khoản nợ được cơ cấu theo Thông tư 06.

Đáng lo hơn, những yếu tố bất lợi khách quan vẫn chưa ngừng đè thêm áp lực lên vai các ngân hàng khi tỷ lệ khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ ngày càng tăng sau dịch Covid-19 và mới đây là bão lũ.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tới thời điểm này dư nợ của TCTD bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng 100.000 tỷ đồng, chiếm 5-7% dư nợ tại 26 tỉnh, thành phố miền Bắc.

Thiệt hại sau bão lũ khiến nhiều khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn

Thiệt hại sau bão lũ khiến nhiều khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn

Điều này khiến nhiều người lo ngại tỷ lệ nợ xấu sẽ tiếp tục gia tăng thời gian tới. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TPBank cho biết, hiện nay, với một số khách hàng bị ảnh hưởng nặng của bão thì mối lo ngại lớn nhất là sụt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa có dòng tiền trả nợ.

Do hệ thống đánh giá tín dụng tự động, nên nợ quá hạn sẽ tự động nhảy nhóm, ngay cả khi khách hàng chỉ cần chậm một ngày không trả nợ đúng hạn. Từ đó, doanh nghiệp sẽ bị có lịch sử nợ xấu, sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng trong tương lai. Trong trường hợp này, nếu không có cơ chế, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi hoãn, giãn nợ.

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu của các ngân hàng rất đáng lo khi các doanh nghiệp phục hồi còn chậm sau đại dịch, thị trường bất động sản còn khó khăn. Từ nay đến cuối năm, ông Hiếu cho rằng nợ xấu sẽ còn tiếp tục gia tăng khi thiệt hại từ cơn bão Yagi để lại cho nền kinh tế rất lớn.

“Ngành ngân hàng sống dựa trên sự tồn tại, phát triển của người dân, doanh nghiệp. Nay đời sống doanh nghiệp khó khăn sẽ dẫn tới tín dụng chậm lại, thu hồi nợ khó khăn hơn. Thế nên, vấn đề xử lý nợ xấu dường như chưa thể nhìn thấy ánh sáng phía cuối đường hầm”, vị chuyên gia nói.

Ngân hàng muốn gia hạn thời gian cơ cấu nợ

Theo Tổng giám đốc TPBank, nhìn lại thực tế vừa qua nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19, NHNN đã có các Thông tư 01, 02 về giãn, hoãn nợ phát huy khá hiệu quả trong việc hỗ trợ tức thời doanh nghiệp, người dân. Theo đó, lãnh đạo ngân hàng này kỳ vọng, Chính phủ, NHNN sau các Hội nghị, họp bàn, sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ, trong đó có việc giãn, hoãn nợ để giúp doanh nghiệp giành được nguồn lực lớn, tập trung khắc phục thiệt hại do bão gây ra, sớm ổn định sản xuất kinh doanh.

Tương tự, ông Kim Byoungho, Chủ tịch HĐQT HDBank đề nghị xem xét việc gia hạn hiệu lực của Thông tư 06/2024/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ tới sau ngày 31/12/2024 với các hướng dẫn cụ thể hơn về giãn, hoãn, thời hạn trả nợ.

Theo các chuyên gia, việc gia hạn thời gian cơ cấu nợ sẽ giúp khách hàng không bị nhảy nhóm nợ, có cơ hội tiếp tục vay ngân hàng để hồi phục sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, phía nhà băng cũng giảm áp lực trích lập dự phòng, có thêm dư địa để hỗ trợ khách hàng.

Về câu chuyện lâu dài hơn, các ngân hàng kiến nghị cần có cơ chế xử lý nợ xấu thuận lợi hơn.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho biết, việc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu rất khó khăn, do Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực và Luật Các TCTD mới không có quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD.

Nên theo lãnh đạo VIB, điều này dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình tố tụng và bán tài sản bảo đảm trong quá trình thi hành án. Trong khi đó, quá trình khởi kiện, tham gia tố tụng và tiến hành thi hành án theo quy định cho mỗi một vụ án thường kéo dài, trong bối cảnh ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro, dừng dự thu lãi trong khi vẫn phải trả chi phí huy động vốn hàng ngày.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB cũng đề nghị Chính phủ và NHNN tạo cơ chế cho việc xử lý nợ mạnh mẽ tương tự Nghị quyết 42 tạo thuận lợi cho ngân hàng thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm.

Đồng thời, cần có hành lang pháp lý thống nhất liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản cho ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, bởi quy định hiện nay đang thực hiện không đồng bộ giữa các địa phương, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xử lý tài sản.