“Sàng” đầu vào - đầu ra

ANTĐ - Báo cáo về nhu cầu kỹ năng lao động được Viện Khoa học lao động và xã hội cũng như Tập đoàn Manpower đánh giá, mặc dù lợi thế lao động giản đơn, chi phí thấp của Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư, nhưng lợi thế này không kéo dài, trong tương lai sẽ tác động xấu tới chất lượng lao động và cả nền kinh tế. Báo cáo này được tiến hành nghiên cứu, khảo sát tại 100 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc 6 tỉnh miền Bắc và miền Nam trong năm 2013 thuộc ba ngành: hàng tiêu dùng, điện tử, lắp ráp ô tô - xe máy.

Kỹ năng mềm, khả năng thích ứng linh hoạt, thái độ làm việc có trách nhiệm và sự đáng tin cậy… là những tiêu chí mới trên thị trường tuyển dụng lao động. Chuyên gia Văn phòng xúc tiến thương mại đầu tư Hàn Quốc nhận định, xu hướng các công ty chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tăng nhanh trong vài năm tới, chủ yếu vì chi phí lao động của Trung Quốc cao hơn Việt Nam. Nói cách khác, không phải do chất lượng lao động Việt Nam có cải thiện hơn mà vì lương lao động tại Trung Quốc đang tăng lên khiến nhà đầu tư chùn bước, tìm kiếm chi phí nhân công thấp tại Việt Nam.

Trong khi đó, kết quả khảo sát cho thấy, lao động Việt Nam thiếu hụt những kỹ năng lớn như làm việc theo nhóm, thiếu sáng tạo, nhất là kỹ năng mềm mà người lao động chưa được đào tạo. Khi tuyển dụng nhân sự, các công ty, doanh nghiệp nước ngoài chú trọng đến kỹ năng mềm như giao tiếp, đáng tin cậy, khả năng tự giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, song đây lại chính là những điểm yếu, “điểm mù” cố hữu của lao động Việt Nam.

Một số công ty lớn than phiền tìm nhân sự có bằng cấp phù hợp là chuyện không khó, song tìm người có tinh thần trách nhiệm cao, tính phản hồi tốt, khả năng thích nghi nhanh khó hơn nhiều. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm cách tuyển người Việt Nam nhiều hơn vì để tiết kiệm chi phí nhân công, nhưng họ không quan tâm đến người lao động từ các doanh nghiệp Nhà nước vì không có thái độ làm việc tích cực, chậm thích nghi, kỹ năng giao tiếp và tiếng Anh kém cỏi.

Các tác giả nhóm nghiên cứu cho rằng, để đón nguồn vốn đầu tư đang chuyển dịch từ thị trường lao động Trung Quốc, Ấn Độ sang Việt Nam, Chính phủ cần tập trung phát triển kỹ năng mềm và cứng ở mọi cấp độ giáo dục, bắt đầu ngay từ bậc tiểu học và tiếp tục lên các cấp học cao hơn. Để duy trì khả năng cạnh tranh, các công ty, doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ, cách quản lý, trong khi chương trình giáo dục – đào tạo nhất là các trường dạy nghề có khi cả chục năm vẫn chưa thay đổi nhiều. Điều này khiến sinh viên hoặc lao động tốt nghiệp ra trường phải mất cả năm mới có thể làm việc tạm được. 

Diễn biến thị trường lao động cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Hệ lụy của lao động giá rẻ đã thấy rõ. Ngay cả người đang làm việc cũng có nguy cơ mất việc nếu hiệu quả làm việc không tốt, khi nguồn cung lao động dồi dào, doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn. Rõ ràng, giáo dục – đào tạo phải được sàng lọc cả đầu vào và đầu ra.