Sản xuất lương thực bền vững để thích ứng biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Biến đổi khí hậu ngày càng đặt ra những thách thức lớn hơn cho sản xuất nông nghiệp, thế nên việc ứng dụng công nghệ để vừa tiết kiệm tài nguyên, vừa tăng năng suất đang là giải pháp quan trọng hàng đầu giúp người nông dân trên thế giới thích ứng và đảm bảo sản xuất một cách bền vững.
Thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đã tác động nặng nề tới sản xuất nông nghiệp trên thế giới

Thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đã tác động nặng nề tới sản xuất nông nghiệp trên thế giới

Sản xuất nông nghiệp chịu tổn thất nặng nề

Năm 2023 ghi nhận những tác động rất tiêu cực của biến đổi khí hậu ở nhiều khu vực rộng lớn trên thế giới, với liên tiếp các kỷ lục về nhiệt độ được ghi nhận. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, “Trái đất vẫn đang đi trên cao tốc đến địa ngục khí hậu” khi năm 2023 được nhận định là năm nóng nhất 125 nghìn năm qua.

Theo các chuyên gia khí tượng, các tháng 6, 7, 8, và 9 là những tháng nóng nhất lịch sử, trong đó 86 ngày có nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - trong khi thế giới đặt mục tiêu kiềm chế nhiệt độ vào năm 2050 không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Như Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo, thế giới đang bước vào kỷ nguyên nung nóng toàn cầu.

Số liệu thống kê mới nhất đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28) hồi tháng 11 vừa qua cho thấy, biến đổi khí hậu đã gây tổn thất hàng tỷ USD cho nền kinh tế thế giới trong năm 2022, trong đó các nền kinh tế đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất. Tác động của tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm giảm 6,5% GDP toàn cầu trong năm 2022, trong đó các nước Đông Nam Á chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng với mức tổn thất lên tới 14,1%.

Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, hạn hán, lũ lụt... mà nó còn ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực nông nghiệp, có thể còn dẫn đến mất mùa hoàn toàn. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến ngành trồng trọt, rõ ràng nhất là làm giảm diện tích đất canh tác, gây ra tình trạng hạn hán và sâu bệnh, gây áp lực lớn cho sự phát triển của ngành trồng trọt nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.

Thời tiết cực đoan cùng cuộc xung đột tại Ukraine đã đẩy giá lương thực thế giới tăng cao. Giá lương thực dự báo còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới. Hiện tượng El Nino gây khô hạn ở phần lớn châu Á và nhiều nơi khác trong năm 2023 dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong nửa đầu năm 2024, gây bất lợi cho nguồn cung gạo, lúa mì, dầu cọ và các nông sản khác ở một số nền nông nghiệp hàng đầu thế giới.

Biến đổi khí hậu sẽ khiến năng suất cây trồng giảm. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nếu nhiệt độ tăng thêm 1 độ C, năng suất lúa sẽ giảm khoảng 10%. Giới thương nhân cảnh báo, sản lượng gạo ở châu Á nửa đầu năm 2024 sẽ sụt giảm do điều kiện khô hạn và hồ chứa ít nước hơn.

Nguồn cung lúa gạo ở khu vực và thế giới bị thắt chặt trong năm nay sản lượng sụt giảm, trong đó hiện tượng El Nino đã làm giảm sản lượng khiến Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới - buộc phải áp đặt hạn chế xuất khẩu gạo. Hệ quả là giá gạo trên thế giới tăng vọt lên mức cao nhất trong 15 năm giữa lúc nhiều loại ngũ cốc khác lại mất giá. Vụ lúa mì tiếp theo của Ấn Độ và Australia cũng đang bị đe dọa do khô hạn vì biến đổi khí hậu, điều này buộc các nước nhập khẩu lúa mì lớn như Trung Quốc và Indonesia sẽ phải tìm đến nguồn cung ở Bắc Mỹ, châu Âu hoặc khu vực Biển Đen.

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững

Biến đổi khí hậu đã và đang thúc đẩy các quốc gia, nhà hoạch định chính sách, cũng như bản thân những người làm nông nghiệp, phải tìm kiếm và thực hiện các biện pháp chủ động thích ứng và giảm thiểu tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Người làm nông nghiệp nhiều nơi trên thế giới vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nhiều cách để sản xuất lương thực bền vững hơn. Tại một trang trại cọ ở thành phố Eilat của Israel, người nông dân đã làm những đường ống nhỏ dẫn nước ngầm và nước thải đã qua xử lý tới những gốc cây, tất cả đều đến từ nhà máy nước ở gần đó để toàn bộ nước thải đã qua xử lý được chuyển đến cho nông dân, chứ không thải ra ngoài tự nhiên hay đổ ra biển hoặc sông suối.

Một hướng đi được nhiều nước lựa chọn là nghiên cứu phát triển các loại cây trồng thích ứng với thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Các nhà khoa học tại Philippines đang ứng dụng công nghệ gen để tạo ra các giống lúa có khả năng chống chịu hạn hán và lũ lụt.

Ông Shalabh Dixit, chuyên gia về giống cây trồng thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế về lúa gạo (IRRI) cho biết, trước tình trạng biến đổi khí hậu, gia tăng căng thẳng về sinh học và phi sinh học, lượng nước trên toàn cầu giảm, cần loại gạo có gen tốt hơn để có thể cho năng suất ổn định trong môi trường đầy biến động. Khi môi trường biến động ngày càng nhiều, tính ổn định của năng suất sẽ giảm, vì vậy các giống cây trồng cải tiến, chống chịu tốt hơn với khí hậu, sử dụng ít nước và chất dinh dưỡng hơn là rất quan trọng.

Tại Hội nghị COP28, hơn 130 quốc gia trên thế giới đã nhất trí đưa vấn đề lương thực, thực phẩm và nông nghiệp vào kế hoạch hành động khí hậu quốc gia. Theo đó, đại diện 134 quốc gia sản xuất 70% lượng thực phẩm tiêu thụ trên toàn thế giới đã ký tuyên bố chung nhấn mạnh ưu tiên phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm và nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo tuyên bố chung, 134 quốc gia ký kết văn kiện là nơi sinh sống của 5,7 tỷ người, tạo ra lượng khí thải nhà kính chiếm tới 75% tổng lượng khí thải từ hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu, hoặc 25% tổng lượng khí thải trên toàn thế giới. Trong số các quốc gia ký vào tuyên bố chung có Mỹ, Trung Quốc, Brazil và Liên minh châu Âu (EU). Tuyên bố khẳng định, các nước sẽ tăng cường chuyển đổi hệ thống thực phẩm, gắn nỗ lực này với kế hoạch quốc gia về giảm khí thải. Ngoài ra, các nước cũng nhất trí đẩy mạnh hỗ trợ nông dân và các nhà sản xuất thực phẩm dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu thông qua tăng cường nguồn lực tài trợ, phát triển, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và các hệ thống cảnh báo sớm.

Ông Edward Davey, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Viện Tài nguyên thế giới Vương quốc Anh, đánh giá, Tuyên bố gửi tín hiệu mạnh mẽ tới các quốc gia trên thế giới rằng chỉ có thể duy trì mục tiêu không tăng quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp nếu chúng ta hành động nhanh chóng để chuyển hệ thống lương thực toàn cầu theo hướng bền vững và khả năng phục hồi cao hơn. Người đứng đầu Hiệp hội Nông dân châu Á Esther Penunian cho rằng, đây là một cột mốc quan trọng, đồng thời nêu rõ các chính phủ biến lời hứa thành chính sách thực sự để có thêm nguồn tài chính về khí hậu để giúp đỡ nông dân sản xuất nhỏ lẻ nhưng sản xuất 1/3 lượng lương thực trên thế giới và đang phải chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt.