Sản xuất công nghiệp phục hồi ngoạn mục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10-2021 ước tăng 6,9%, cao hơn mức trung bình 4,5% của 9 tháng đầu năm. Phía doanh nghiệp đánh giá Nghị quyết 128 của Chính phủ có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất- kinh doanh.
Các doanh nghiệp sản xuất trở lại sau đợt bùng phát dịch

Các doanh nghiệp sản xuất trở lại sau đợt bùng phát dịch

Khôi phục sản xuất

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, tinh thần của các doanh nghiệp sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 là tích cực và phấn khởi. “Dù mật độ tiêm vaccine còn thấp nhưng các tỉnh thành phố nhìn chung đã lạc quan, có bản lĩnh hơn rất nhiều trước tình hình dịch bệnh Covid-19. Mục tiêu hiện nay là mở cửa, tái sản xuất trở lại”- ông Đỗ Xuân Lập nói.

Cũng với tinh thần lạc quan này, ông Nguyễn Chánh Phương- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho hay, các đơn đặt hàng hiện nay đang rất dài và nhiều. Tuy vậy, năng suất lao động còn chưa đáp ứng được do tình trạng thiếu lao động.

Tại Hà Nội, tính đến cuối tháng 10-2021, 100% các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Trần Anh Tuấn- Phó Trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp- khu chế xuất Hà Nội nói: “Doanh nghiệp và người lao động phấn khích, hăng say bắt tay ngay vào công việc để bù đắp những đơn hàng. Hiện chúng tôi vẫn yêu cầu các doanh nghiệp không chủ quan, lơ là với công tác phòng chống dịch bệnh để sản xuất một cách an toàn”.

Tại một số địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương... hoạt động sản xuất hầu như đã được khôi phục. Tính đến ngày 23-10, toàn bộ các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã hoạt động trở lại.

Trong 6 khu công nghiệp đã có 385 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 192.000 lao động (tăng 23 doanh nghiệp và trên 41.000 lao động so với thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19); 221 doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp hoạt động trở lại với hơn 48.000 lao động, đạt tỷ lệ 98% so với thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19.

Đáng chú ý, theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, các doanh nghiệp quy mô lớn phục hồi sản xuất nhanh, đã sử dụng lao động ở mức tương đương, thậm chí nhiều hơn lao động so thời điểm trước dịch.

Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cho biết, đến ngày 28-10, đã có 1.968 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh tiến hành khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt trên 96%.

Sau khoảng 1 tháng phục hồi sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, nhằm đẩy mạnh sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.

Tại Đồng Nai, trên 92% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh đã khôi phục sản xuất, trong đó có nhiều nhà máy hoạt động hết công suất. Cùng với các tỉnh, thành phố phía Nam, Đồng Nai và Bình Dương chịu tác động nặng nề trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư vừa qua.

Trước khi dịch bùng phát, các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai có khoảng 1.713 dự án đang hoạt động. Trong thời điểm dịch bệnh, các khu công nghiệp chỉ có hơn 1,1 nghìn doanh nghiệp duy trì được sản xuất, gần 600 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Từ cuối tháng 9-2021, tỉnh Đồng Nai bắt đầu mở cửa, các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại và nâng công suất các nhà máy, đáp ứng nguồn cung hàng hóa cho đối tác trong và ngoài nước.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10-2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước. So với mức bình quân 4,5% trong 9 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Tính chung 10 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020.

TS Cấn Văn Lực- Cố vấn cấp cao của Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV cho rằng, hoạt động sản xuất đang tốt lên và miền Bắc có dấu hiệu tích cực hơn miền Nam. Tuy vậy, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với vấn đề thiếu lao động khá trầm trọng.

Trả thêm tiền để thu hút lao động

Theo ông Đỗ Xuân Lập, hiện có 2 vấn đề liên quan đến người lao động cần giải quyết. Một là tình trạng doanh nghiệp thiếu lao động, cần phải thu hút để tái sản xuất. Hai là người lao động có kỹ năng đang thiếu việc làm, cần tìm việc trở lại. Khảo sát của Hiệp hội gỗ Bình Định - nơi có 100.000 công nhân viên trở về từ các tỉnh, thành phía Nam - cho thấy, có tới 75% nhân công có nguyện vọng trở lại nơi cũ làm việc.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VIEA) cũng cho hay, ngành điện tử đang thiếu hụt trầm trọng lao động đặc biệt để duy trì đơn hàng cuối năm. Một số đơn hàng đối tác đã chuyển sang Trung Quốc để lắp ráp.

“Việc đi lại giữa các tỉnh, thành phố còn khó khăn, gây tốn kém cho người lao động. Một yếu tố khác nữa là hiện nay trẻ em chưa được đến trường nên rất đông lao động nữ phải nghỉ việc để ở nhà để trông con. Trong khi đó, các gói hỗ trợ đào tạo lại lao động doanh nghiệp khó tiếp cận do điều kiện chưa phù hợp. Doanh nghiệp điện tử đơn hàng cũng không thiếu, nhưng áp lực về lao động rất lớn”- đại diện VIEA nói.

Cũng từng đối mặt với tình trạng tạm thời thiếu lao động, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ thu nhập từ 1-2 triệu đồng/người/tháng; lập đội xe đưa đón công nhân từ các tỉnh lân cận tới Bắc Giang làm việc… để lao động quay trở lại làm việc.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, bên cạnh việc tiêm vaccine cho người lao động, Nhà nước cần hỗ trợ để tái cấu trúc lao động, từ đó tăng năng suất lao động và đảm bảo nhà ở cho công nhân. Ông Phương cho rằng, việc ổn định được người lao động là một trong những giải pháp ổn định sản xuất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Nói về vấn đề lao động, TS Cấn Văn Lực nhận định, tình trạng thiếu lao động hoặc mất cân đối lao động không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn diễn ra căng thẳng ở nhiều nước trong bối cảnh dịch bệnh. Do đó, doanh nghiệp cần tính toán dài hơi về vấn đề lao động.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cũng cho rằng, cần tiếp tục bàn thảo để có giải pháp kéo lao động trở lại doanh nghiệp.