Sẵn sàng tiếp tục đương đầu với hiểm nguy, không tiếc hy sinh, xương máu để bảo vệ bình yên của nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nếu cần hình dung thật cụ thể khi nói về sự hy sinh hóa thành bất tử, thì đó chính là câu chuyện về 3 người lính Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an Hà Nội: Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc. Các anh đã mãi mãi ra đi trong cuộc chiến giành giật, bảo vệ sự bình yên của nhân dân trước “giặc lửa”. Mà như người đứng đầu Công an Hà Nội không kìm được cảm xúc trong bài điếu văn tại Nhà tang lễ quốc gia hôm rồi: Cái chết của các đồng chí để nhường lại sự sống cho biết bao người khác!
Những chiến sĩ Cảnh sát PCCC tận tụy với nhiệm vụ đã để lại nhiều hình ảnh đẹp, xúc động trong lòng nhân dân

Những chiến sĩ Cảnh sát PCCC tận tụy với nhiệm vụ đã để lại nhiều hình ảnh đẹp, xúc động trong lòng nhân dân

Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), nhiều năm trở lại đây, đã có 29 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ anh dũng hy sinh trong quá trình chữa cháy, dập lửa, di chuyển tài sản và cứu người dân khỏi các vụ cháy.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Bình Ban - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an trong thông tin chia sẻ với An ninh Thủ đô và bạn đọc đã nhìn nhận: Lịch sử của cuộc chiến đấu với “giặc lửa” trong những ngày chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc ghi nhận hàng trăm cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC dũng cảm lao vào hiểm nguy để cứu hàng, cứu tài sản của Nhà nước, cứu tính mạng của nhân dân. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát PCCC đã anh dũng hy sinh. Điển hình là chiến công của Phân đội PCCC Lộc Hà (Đông Anh, Hà Nội), Phân đội PCCC Sở Công an Hà Nội, Phân đội PCCC Đại La, Phân đội PCCC Gia Lâm. Họ đã phối hợp với các đội tự vệ, dân quân thị trấn, Quân khu Thủ đô, lực lượng PCCC các tỉnh lân cận Hà Nội, ngoan cường chiến đấu với “giặc lửa” suốt 1 ngày đêm (29-6-1966) để dập tắt vụ cháy lớn nhất trong lịch sử do máy bay Mỹ gây ra tại Tổng kho xăng Đức Giang (Hà Nội).

“Bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân”. Vẻn vẹn 11 chữ đó thôi, nhưng nó luôn đặt lực lượng Công an nói chung, những người lính Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nói riêng, vào những thời khắc, tình huống phải đánh đổi bằng sức khỏe và sự an toàn tính mạng. Những sự cố thiên tai nguy hiểm, khi người dân cố tìm lối thoát, thì lực lượng chữa cháy, cứu hộ lao vào. Những điểm cháy khủng khiếp nhất ở các khu công nghiệp, khu dân cư, trong khi người dân chạy ngược ra, thì vẫn là những ráng đỏ băng vào để dập lửa, để sơ cứu tài sản và người mắc kẹt. Vì vậy, trong những trận đánh sinh tử ấy, việc “nhường sự sống cho nhân dân, cho người khác”, là điều khó tránh khỏi.

29 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ hy sinh trong thời bình. Những tấm gương quả cảm, những sự hy sinh ấy đã và đang thôi thúc thêm tinh thần, ý chí quyết tâm cho đồng đội đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên của nhân dân. Không ai chùn bước. Chẳng ai sờn lòng. Đồng đội tiếp bước để vun đắp vững vàng hơn cho lý tưởng cao đẹp bảo vệ bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Hà Nội và cả nước những ngày này, Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc đang bất tử. Ở các khu dân cư, trong nhiều câu chuyện của nhiều giai tầng, hễ cứ nghe và nói về sự hy sinh của 3 người lính Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bất kể ai cũng không khỏi bàng hoàng, xúc động, tiếc thương và nghẹn ngào nước mắt. Sự hy sinh anh dũng, đẫm chất nhân văn của 3 người lính Công an Hà Nội đã tạo hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng, về sự dấn thân, chia sẻ, tận hiến. Không thể đếm được biết bao bài báo, bài viết, bài thơ, những bức tranh khắc họa chân dung các cán bộ, chiến sĩ - những người anh hùng trong thời bình, rất đỗi bình dị, rất đỗi thân thương nhưng đầy quả cảm và nhiệt huyết, hy sinh xả thân mình vì bình yên của cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân - lý tưởng cao cả của lực lượng Công an nhân dân.

Và cũng thật tự nhiên, ngày lại ngày, đang có những cụ già, những cháu nhỏ, những nam nữ thanh niên dâng lên tượng đài Công an nhân dân vì dân phục vụ tại ngã ba đường Quang Trung - Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, những bó hoa tươi thắm, tinh khiết với sự thành kính và tiếc thương dâng trào.

“Các đồng chí sẽ sống mãi trong lòng những người thân, những người đồng chí, đồng đội và tất cả những người có lương tri và phẩm giá. Hình ảnh, nghĩa cử, sự hy sinh cao thượng của các đồng chí vẫn hàng ngày, hàng giờ hiện hữu bên cạnh chúng tôi, động viên, khích lệ chúng tôi tiến lên bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng xả thân vì một Thủ đô văn hiến - văn hóa - hiện đại - thông minh - bình yên...”, Giám đốc CATP Hà Nội khẳng định như vậy, trong bài điếu văn tiễn biệt 3 người đồng đội: Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc.

Khi những dòng viết này đến với bạn đọc, thì Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc đã được Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP Hà Nội cùng gia đình và đông đảo bạn bè, người thân tổ chức trọng thể lễ tiễn đưa về với đất mẹ ở Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hà Nội.

Suốt từ buổi chiều 1-8, thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn đau thương ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, đến giờ, có thể nói, toàn lực lượng Công an Hà Nội đã gần như không ngủ. Chiều hôm ấy, trực tiếp các đồng chí trong Ban Giám đốc CATP đã đến hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn. Nữ phóng viên An ninh Thủ đô tại hiện trường hôm ấy kể: “Không thể diễn tả đầy đủ cảm xúc của các đồng chí trong Ban Giám đốc và lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Vừa phải hết sức bình tĩnh để đưa ra những chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt. Vừa kìm nén nỗi đau trước sự mất mát quá lớn”.

Chiều tối cùng ngày, các đồng chí trong Ban Giám đốc phân công dẫn đầu các đoàn công tác đến từng gia đình 3 cán bộ, chiến sĩ đội Cảnh sát Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an quận Cầu Giấy; rồi vào Nhà tang lễ Bệnh viện 19-8. Khó khăn và nặng nề nhất là việc phải thông báo tới thân nhân 3 người đồng chí, đồng đội, về sự ra đi!

Liên tục những ngày sau đó là khối lượng công việc khổng lồ được Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP Hà Nội trực tiếp và chỉ đạo các phòng chức năng triển khai: từ tang lễ trọng thể, chu đáo nhất; đến chế độ chính sách, thăm hỏi tốt nhất; và sự động viên, quan tâm gia đình, thân nhân 3 đồng chí, đồng đội ân cần nhất.

Trực tiếp Giám đốc CATP chủ trì cuộc họp, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Cục Tổ chức cán bộ (Bộ Công an), và thân nhân 3 cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an quận Cầu Giấy, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, cũng như định hướng để công tác tổ chức tang lễ được chu đáo, trang trọng nhất theo nghi lễ Công an nhân dân. Cũng trực tiếp đồng chí Giám đốc, trong 2 ngày cuối tuần 6 và 7-8, đã cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc, tiễn đưa Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc về với đất mẹ.

Trước đó, trong ngày 2-8, đồng loạt những Quyết định, những sự ghi nhận cao quý nhất đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an dành tặng 3 người lính Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Công an Hà Nội.

Có lẽ, sự tri ân, tình cảm, tình nghĩa đồng đội mà Đảng ủy - Ban Giám đốc và toàn lực lượng Công an Thủ đô dành cho Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc, đã giúp thân nhân 3 liệt sĩ nguôi ngoai phần nào nỗi mất mát quá lớn. Tự hào, ấm lòng và vững tâm lắm chứ khi nghe những lời tiễn biệt của người bạn đời Thượng tá Đặng Anh Quân: “Anh ra đi, em và con sẽ phải sống thật mạnh mẽ hơn. Em và con sẽ cố gắng thực hiện nốt những dự định, ấp ủ còn đang dang dở trong anh. Anh ra đi, nhưng anh và đồng đội sẽ sống mãi trong lòng em, trong lòng cả gia đình mình và trong lòng nhân dân. Mẹ, em và các con, đại gia đình luôn tự hào về anh. Anh cứ yên nghỉ anh nhé!”.

Sẵn sàng tiếp tục đương đầu với hiểm nguy, dấn thân và không tiếc hy sinh, xương máu để bảo vệ bình yên của nhân dân; đó là ý chí bền bỉ của lực lượng Công an nhân dân, của những người lính Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Song, chúng ta, mỗi người dân, mỗi tổ chức, hoàn toàn có thể kéo giảm những mất mát, đau thương ấy, bằng việc chủ động trang bị cho mình hành trang, ý thức phòng ngừa tốt trước “giặc lửa”. Đừng xem việc phòng cháy, chữa cháy là của Công an. Đừng phớt lờ, chủ quan trước những nguy cơ, khuyến cáo đã được cán bộ chức năng tuyên truyền. Đừng nghĩ rằng “giặc lửa” chỉ gây họa với người khác, còn… trừ mình. Thực tế là, cháy một hộ dân, một nhà xưởng, thì mối họa chắc chắn không chỉ riêng với nhà xưởng, hộ dân ấy.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát chấp hành nguyên tắc đảm bảo phòng cháy ngay từ cấp cơ sở phải được thực hiện thực chất, nghiêm túc, thường xuyên và quyết liệt, trên cơ sở những quy định, chế tài pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Mỗi vụ cháy xảy ra đều đúc kết được thành bài học. Mà ở đây, trước tiên, việc không chấp hành nguyên tắc phòng ngừa “giặc lửa” chính là bài học lớn nhất, đau xót nhất: bài học phải trả giá bằng tính mạng con người.