Sân khấu thiếu nhi: Sôi động ảo

ANTĐ - Bùng phát ở thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm, ngày 1-6  để rồi yên ắng cả năm, sân khấu thiếu nhi đang tô vẽ bề ngoài mỹ miều để che đi phần ảm đạm và  yếu ớt  bên trong…

Sôi động ảo của sân khấu thiếu nhi


Nhà nhà đua nhau dựng kịch 

Năm 2012 dường như đã làm cho những người dõi theo sự phát triển của sân khấu nước nhà vui mừng với liên tiếp các vở kịch thiếu nhi được ra mắt. Và cũng chưa có năm nào, sân khấu thiếu nhi lại nhộn nhịp và tưng bừng như năm nay. Nếu như chỉ nhìn vào bức tranh toàn cảnh này, có lẽ nhiều người sẽ lầm tưởng đời sống tinh thần của thiếu nhi đang được các nhà hát quan tâm đúng mức và có định hướng trong sự phát triển lâu dài. Thế nhưng, bên trong cái vẻ ngoài ồn ào và náo nhiệt ấy, sân khấu thiếu nhi từ lâu nay vẫn như “mỏ vàng” nhưng được khai thác thiếu quy hoạch kiểu mạnh ai nấy làm. Không hiếm các diễn viên hài nổi tiếng thấy thời cơ thuận lợi mạnh dạn vung tiền dựng vở và tất nhiên đây là những vở mang tính chất cá nhân chứ không nằm trong kinh phí hoạt động hàng năm của các nhà hát. 

Sự mạnh bạo, dám nghĩ dám làm của các nghệ sỹ bươn ra thị trường vốn đang bỏ ngỏ, một phần rất đáng hoan nghênh. Vì nhờ có họ, các em thiếu nhi mới có thêm nhiều sự lựa chọn để thưởng thức văn hóa. Nhưng một phần cũng đáng lo ngại bởi lối làm “đánh quả” không nằm trong một kế hoạch dài hơi nào. Hậu quả của lối làm việc này là thiếu nhi đang được thưởng thức những món ăn tinh thần chưa thật sự “ngon miệng”, “đã mắt”. Các em đến với sân khấu là để được xem những vở kịch đậm tính nhân văn, chơi đấy, nhưng cũng học đấy. Thế nhưng, sự nhàm chán trong cách khai thác đề tài, đạo cụ, phục trang  cũ kỹ, được tận dụng hết năm này sang năm khác, chưa thực sự làm người xem.  

“Vợt” truyện ra diễn

Không quá khó khăn để nhận thấy, sân khấu thiếu nhi hiện nay, khâu kịch bản đang được làm quá ẩu, thiếu sự trau chuốt, cập nhật hơi thở của cuộc sống. Thiếu nhi của hơn 10 năm trước được xem những vở kịch như thế nào thì thiếu nhi của ngày hôm nay được thưởng thức những vở kịch không khác bao nhiêu và rất thiếu tính thời đại. Vẫn biết rằng, thế giới trẻ thơ là thế giới được sống trong những câu chuyện cổ tích thần tiên nhưng cách làm “vợt” truyện cổ tích ra kịch thiếu nhi về lâu dài sẽ dẫn tới nhàm chán, khó phát triển. Và cũng vì cách làm này tồn tại trong một thời gian dài đã khiến cho đội ngũ viết kịch bản sân khấu kịch thiếu nhi ngày càng hiu hắt nếu không muốn nói là không còn ai. Với một vở kịch, nếu yếu ngay từ khâu kịch bản thì đạo diễn có tài năng đến mấy cũng khó xoay chuyển tình thế. Và như một cái vòng luẩn quẩn, kịch bản yếu, vở kịch ra đời không hay cũng không đến nỗi quá chán, người thưởng thức thấy quen quen cũng tặc lưỡi ra về thì sân khấu thiếu nhi đến bao giờ mới thoát ra, bứt phá trong những cách làm hoàn toàn mới mẻ cả về nội dung và hình thức.  

Kinh phí luôn đóng vai trò chủ đạo trong việc dàn dựng và biểu diễn một vở kịch thiếu nhi hay. Nhưng hiện, sân khấu thiếu nhi đang được đầu tư chưa đúng mức. Với một đơn vị có chức năng phục vụ đối tượng thanh thiếu niên như Nhà hát Tuổi trẻ nhưng số tiền đầu tư dành cho sân khấu thiếu nhi cũng rất hạn hẹp. Vào thời gian mới thành lập, Nhà hát vẫn đều đặn duy trì các buổi biểu diễn vào cuối tuần để phục vụ các em nhỏ thì đến thời điểm này đã hoàn toàn biến mất. Khán giả chỉ còn nhìn thấy lịch biểu diễn dành cho thiếu nhi vào dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi hay dịp Trung thu. Do ngay từ khâu định hướng và lên kế hoạch của các nhà hát đã làm ngơ với các khán giả nhỏ tuổi nên trong thực tế mới nảy sinh việc dàn dựng cho thiếu nhi theo lối chộp giật cũng là điều dễ hiểu. Có thời gian dài gắn bó với sân khấu thiếu nhi, đạo diễn - NSƯT Anh Tú cho biết: “Do tự đứng ra vận động kinh phí nên trong việc dựng vở, bản thân tôi nhiều lúc cảm thấy chưa thật sự đã với sản phẩm mình làm ra nhưng cũng không còn cách nào khác với từng ấy tiền đầu tư. Tôi mong rằng, Nhà nước sẽ hỗ trợ nguồn kinh phí dồi dào hơn cho loại hình sân khấu đang “sống” dặt dẹo này”.