“Săn” biệt tài của người tự kỷ

ANTĐ - Cứ 3.000 trẻ em thì có một em bị mắc hội chứng Asperger - một dạng của bệnh tự kỷ mà nguyên nhân được cho là do di truyền, tổn thương não và những thay đổi sinh hóa. 

Trẻ mắc Asperger thông minh, nhiều trẻ biết nói sớm hơn cả biết đi nhưng lại gặp khó khăn trong thể hiện cảm xúc hay giao tiếp. Tuy nhiên, câu chuyện của một công ty chuyên “săn” nhân viên là những người tự kỷ kiểu này cho thấy nếu được sống trong môi trường giáo dục và làm việc phù hợp, người tự kỷ hoàn toàn có thể trở thành những chuyên gia hàng đầu trong những lĩnh vực mà họ yêu thích.

Niels Kjaer tìm lại được niềm vui trong công việc mới

Thiên tài ẩn giấu

8 năm trước, Thorkil Sonne, Giám đốc kỹ thuật của Công ty Truyền thông Đan Mạch TDC đã nghe quá nhiều lời phàn nàn về việc con trai ông “kém cỏi” thế nào ở trường mẫu giáo, ông và vợ ông đã tới một chuyên gia tâm lý để được tư vấn. Nhưng Thorkil Sonne vô cùng kinh ngạc khi nhận được chẩn đoán, con trai ông mắc hội chứng Asperger - một dạng của bệnh tự kỷ. Sau đó, Thorkil Sonne đã tham gia vào Hiệp hội Tự kỷ Đan Mạch. Ông cùng với vợ dần dần nắm được hết tính nết và khả năng của những đứa trẻ khác ở đây, trong đó có nhiều em thông minh và học giỏi khác thường. 

Từ kinh nghiệm bản thân, Thorkil Sonne biết các công ty muốn tìm nhân viên có đức tính bền bỉ, kiên trì trong công việc không phải là dễ. Nhưng khi quan sát, ông đã phát hiện kỹ năng này ở những cậu bé mắc Asperger và chưa ai phát huy được tài năng và thế mạnh tiềm ẩn đó. Năm 2004, Thorkil Sonne thành lập một công ty ở Copenhagen có tên gọi Specialisterne hay “Chuyên gia” chuyên tìm và tuyển những người mắc chứng tự kỷ và đưa họ vào làm trong các dự án viết phần mềm, quản lý dữ liệu, liên kết với các công ty công nghệ thông tin. Văn phòng chính của Specialisterne nằm trong khu công nghiệp ở phía tây Copenhagen. Tại Đan Mạch, các nhân viên Specialisterne quản lý các dự án cho các hãng như Siemens, Nokia và TDC. 

“Tôi muốn tận dụng từ lợi thế của những đặc điểm mà những người tự kỷ có, không chỉ vì lợi ích của họ, mà còn mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế” - ông Sonne nói. 

Specialisterne hiện giờ có 33 nhân viên - tất cả đều rất xuất sắc trong công việc của mình. Ví dụ, một thành viên “đầu quân” cho công ty là ông Niels Kjaer, 49 tuổi, một lái xe taxi ở Copenhagen nhưng không mấy ai biết người này là tiến sỹ về vật lý hạt nhân, trước đó đã từng làm việc cho Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) suốt 10 năm ở Geneva, Thụy Sĩ. 

 Khi được hỏi tại sao nhà tuyển dụng lại tuyển người tự kỷ vào những vị trí hàng đầu trong công ty, Sonne khẳng định đó là do khả năng của chính họ. “Những người mắc hội chứng Asperger có khả năng tập trung tốt hơn. Họ tỉ mỉ và kiên trì hơn. Những người khác thường mất tập trung sau lần thử thứ 3, và liên tiếp mắc lỗi, còn người của tôi vẫn rất tập trung sau lần thử thứ 10” - ông Sonne cho biết. 

Nhân rộng mô hình

Matthias Prossl, 51 tuổi, là Giám đốc điều hành Công ty Tin học IBM tại Đức. 6 năm trước, con trai lớn của ông được chẩn đoán mắc hội chứng Asperger. Cậu bé năm nay 15 tuổi và vẫn theo học trường phổ thông như bình thường. Khi con đi học, ông bà Prossl đã tới trường nói với giáo viên về tình trạng của con để tránh những hiểu lầm đáng tiếc, đặc biệt khi cậu bé gặp vấn đề trong giao tiếp với bạn học. Có nhiều người mắc Asperger phải theo học các lớp học đặc biệt. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Friedrich Nolte (Hiệp hội Tự kỷ Đức), đó không phải vì các em không thể theo kịp về trí tuệ. Ở các trường học bình thường, các em mắc Asperger bị áp lực xã hội rất lớn, các em sẽ bị trêu chọc, bị bắt nạt dẫn đến chán nản. “Tôi muốn để con mình học những cái nó có khả năng và nó thích. Đó là cách tốt nhất để giúp cho con có được nền giáo dục tốt và hữu ích cho sự nghiệp sau này” - ông Prossl nói. Tình cờ biết được dự án của Thorkil Sonne, ông quyết định áp dụng mô hình này tại quê hương mình. 

Thorkil Sonne đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế công nhận những đóng góp và tâm huyết của ông. Ông cũng nhận được nhiều đề nghị của các bậc cha mẹ và những người mắc Asperger từ nhiều nơi trên khắp thế giới. Những điều này đã khuyến khích ông thực hiện ý tưởng của mình ở nhiều nước khác như Iceland, Scotland, Thụy Sĩ và ở Đức. Sonne nói rằng ông không mở công ty vì mục đích từ thiện. Ông muốn những nhân viên của mình được thể hiện tài năng. Sonne cũng đảm bảo nhân viên trong công ty của mình được trả lương theo năng lực. Mục đích lâu dài của ông là tạo ra 1 triệu việc làm cho những người mắc hội chứng Asperger hay người tự kỷ khác trên khắp thế giới. 

Một ngày làm việc bình thường, Niels Kjaer ngồi trong văn phòng Specialisterne lập một chương trình máy tính giúp kiểm soát chất lượng trứng gà. Từ hình ảnh những quả trứng bị nứt, vỡ qua máy quét, Kjaer phát hiện ra trứng hỏng để lọc bỏ. Kjaer đã đi qua một chặng đường dài, từ CERN tới lái xe taxi và cuối cùng là lập trình viên. Khi được hỏi có hạnh phúc không, Kjaer vẫn không rời mắt khỏi màn hình và nói rằng còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả chương trình tìm trứng gà loại này. Không giao tiếp bằng mắt nhưng niềm vui của ông khi nói về công việc đã nói lên tất cả.