- Cử tri Hà Nội muốn minh bạch giá điện
- Tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường
- Kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XIV: Sẽ chất vấn 4 nhóm vấn đề nóng
Sáng 21-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Bàn về chương trình sách giáo khoa quy định trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng thực hiện xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa là cần thiết, tuy nhiên đề nghị Bộ GD&ĐT cần làm rõ để sách giáo khoa sử dụng ổn định, lâu dài chứ không thể mỗi năm thay một đợt sách gây lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Văn Hoà
Mặt khác, sách tham khảo do giáo viên bộ môn lựa chọn nhưng cũng phải quy định cụ thể, rõ ràng để phòng ngừa giáo viên lợi dụng sách tham khảo để dạy thêm, học thêm, học sinh nào không học thêm thì không làm được bài tập kiểm tra trên lớp, gây bức xúc trong phụ huynh học sinh.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Văn Hoà, thời gian dư luận băn khoăn về tính khách quan của Hội đồng thẩm định quốc gia chương trình sách giáo khoa. Đại biểu Hoà đề xuất thành lập hội đồng sẽ khách quan, đa dạng thành phần hơn.
Quy định luật về sách giáo khoa cần cân nhắc kỹ lưỡng, tránh lãng phí
Về ý kiến đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) trong dự thảo luật đã cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết của Đảng và Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Theo đó, việc giảng dạy và học tập phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Với quan điểm này, trên nền tảng một chương trình GDPT thống nhất dùng chung trong cả nước do Bộ GDĐT ban hành; sách giáo khoa là tài liệu học tập, cụ thể hóa chương trình, giúp giáo viên và học sinh sáng tạo trong phương pháp dạy và học, nhằm tiếp thu tốt nhất kiến thức của chương trình GDPT.
Hiện nay Bộ GD&ĐT đã công bố chương trình GDPT thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ sách giáo khoa theo chương trình này, sẽ hoàn thành sau năm 2022.
Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ quốc hội đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa như trong dự thảo luật.
Để rõ ràng, mạch lạc hơn về vai trò của chương trình GDPT và sách giáo khoa, nội dung này đã được quy định thành hai điều riêng biệt. Theo đó, chương trình là pháp lệnh, thống nhất trong toàn quốc; sách giáo khoa là công cụ giảng dạy, triển khai chương trình GDPT.
Để bảo đảm chất lượng của chương trình và sách giáo khoa GDPT, dự thảo luật quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, UBND các địa phương, Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục cấp tỉnh. Đồng thời luật cũng quy định quy trình chọn sách giáo khoa tại địa phương do UBND tỉnh quyết định theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 10 chương, 119 điều, quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác; nhà giáo, người học; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục. Dự kiến Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp (14-6). |