SAA phát hiện kho chứa hóa chất của phiến quân được sản xuất tại Anh, Đức

ANTD.VN -Trong hoạt động rà soát bom mìn và khôi phục trật tự tại những khu vực vừa được giải phóng ở Đông Ghouta, quân đội chính phủ Syria ngày 26-4 lại tiếp tục tìm thấy một kho chứa hóa chất của phiến quân được sản xuất tại Anh, Đức.

SAA phát hiện phòng thí nghiệm và kho chứa hóa chất của phiến quân ở Douma, Đông Ghouta

"Trong kho chứa vũ khí hóa học do những kẻ khủng bố ở Douma để lại, chúng tôi đã tìm thấy các hóa chất được sản xuất từ Đức, Anh, từ phòng thí nghiệm Porton-Down ở Salisbury", Phó Đặc phái viên của Syria cho Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) Ghassan Obaid cho biết sau một cuộc họp báo ở The Hague hôm 26-4.

Ông Obaid đồng thời kêu gọi các chuyên gia OPCW đến thăm Douma, và bày tỏ hy vọng rằng, cuối cùng mọi cáo buộc sẽ được làm sáng tỏ.

Thông tin trên của phái viên này giống với lời phát biểu trước đây của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng, các thùng chứa clo và lựu đạn khói được sản xuất ở Anh và Đức đã được tìm thấy ở những vùng lãnh thổ được giải phóng khỏi phiến quân ở Đông Ghouta.

Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Quốc phòng Nga mới đây khẳng định, OPCW đã thừa nhận không tìm thấy vũ khí hóa học tại nơi Mỹ nã tên lửa hôm 14-4.

"OPCW đã xác nhận rằng, không tìm thấy vũ khí hóa học nào tại trung tâm nghiên cứu Barzeh ở Damascus bất chấp các tuyên bố của giới chức Mỹ", Sputnik dẫn lời tướng Sergey Rudskoy thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga tuyên bố.

Tướng Rudskoy cho rằng, logic của đợt tấn công bằng tên lửa vào các cơ sở bị cáo buộc tàng trữ chất độc hóa học ở Syria là không rõ ràng, bởi vì về lý thuyết, nếu các chất độc hóa học được lưu trữ tại đó, thì hàng chục nghìn người sẽ thiệt mạng sau khi các quả tên lửa phát nổ và làm phát tán chất độc từ đó ra.

"Ngay sau cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh, nhiều người làm việc tại các cơ sở bị phá hủy cũng như những người qua đường mà không hề có thiết bị bảo hộ vẫn đến thăm các địa điểm đó, và không ai trong số họ bị nhiễm độc vì các tác nhân gây độc", tướng Rudskoy giải thích.