Run rẩy vào trận đánh

ANTĐ - AFF Cup 2014 chỉ còn một tuần sẽ khởi tranh, song không khỏi giật mình khi nhìn vào hành trang ít ỏi của ĐT Việt Nam trước giải đấu lớn mà mục tiêu đề ra là chức vô địch như kỳ 2008.

ĐT Việt Nam mang lại cảm giác chông chênh khi bước vào AFF Cup 2014
Ảnh: QUANG THẮNG

So với lần vô địch AFF Cup 2008, ĐT Việt Nam vẫn có sự hiện diện của một số cựu binh như Công Vinh, Phước Tứ, Thành Lương, Tấn Tài… Thế nhưng tất cả dường như chỉ còn là cái bóng của chính mình 6 năm về trước, trong khi các nhân tố trẻ như Hồng Quân, Minh Tuấn, Hoàng Thịnh, Ngọc Anh lại chưa được như kỳ vọng. Người được đánh giá có phong độ và sự ổn định tốt nhất thời gian qua là Văn Quyết, song điểm sáng hiếm hoi này không thể là điểm tựa niềm tin cho một tập thể đang khoác trên mình trọng trách vô địch.

Bước vào AFF Cup 2008, ĐT Việt Nam dưới thời HLV Calisto cũng phải gánh trên vai mục tiêu vô địch và áp lực càng nặng nề hơn khi đội trải qua 11 trận giao hữu toàn thua ở giai đoạn chuẩn bị. Nhưng sau mỗi trận thua, sự lì lợm và  tinh thần của các cầu thủ lại tăng lên một bậc để rồi phát huy đúng lúc ở sân chơi chính thức và đăng quang sau đó. Nó khác hẳn với sự nhợt nhạt trong cách chơi lẫn tinh thần mà đa số tuyển thủ Việt Nam thể hiện ở chuỗi trận giao hữu vừa qua. Và cho đến trận thua Palestine thì ông thầy người Nhật đã tỏ ý thất vọng với tinh thần thiếu quyết tâm song lại thừa nôn nóng khi bị dẫn trước ở phút 56 của các học trò.

Người ta đang đặt ra những so sánh ở ghế HLV trưởng của đội tuyển ở AFF Cup 2014 và kỳ AFF 6 năm về trước. Nếu như ông Calisto có vốn hiểu biết rất rộng về bóng đá Việt, cầu thủ Việt sau 10 năm gắn bó thì ông Miura mới chỉ có vỏn vẹn 6 tháng, dù chỉ tiêu mà VFF đặt ra cho 2 ông thầy là như nhau. Nếu như ông thầy người Bồ Đào Nha nổi tiếng là tinh quái trong cách bài binh bố trận lẫn trị các kiêu binh thì ấn tượng với ông thầy người Nhật lúc này chỉ dừng ở đức tính cần cù, cẩn thận.

HLV Calisto được học trò nể và quý bởi rất tâm lý, điển hình có lần ông chủ trương rủ cầu thủ đi bar để xả stress trước một trận đấu quan trọng, trong khi HLV Miura thì khoa học đến mức cấm cả học trò sử dụng điện thoại khi đang ăn vì sợ bất lợi cho dạ dày. Ông Calisto không chỉ giỏi trị kiêu binh mà còn giỏi trong cả việc khích tướng, biết truyền lửa cho học trò ở những thời khắc quan trọng trong khi tố chất này ở ông Miura khá mờ nhạt. Bù lại, ông Miura được đánh giá cao ở cách làm bóng đá chuyên nghiệp, khoa học mang đậm chất người Nhật mà bóng đá Việt Nam đang muốn học theo. 

6 năm trước, kinh nghiệm và cả chất bụi bặm của HLV Calisto góp phần làm nên chiến tích lịch sử cho ĐT Việt Nam, còn nay, liệu sự khoa học của HLV Miura có tạo nên điều tương tự?