Rùa hồ Gươm      

(ANTĐ) - Ông Hà Đình Đức là người đưa ra giả thiết rùa hồ Gươm đã được Lê Lợi thả xuống cho rằng, từ thời nhà Lý cho đến hết thời nhà Trần, không có nguồn tư liệu nào cũng như truyền thuyết dân gian về rùa lớn trong các hồ ở Thăng Long.

Rùa hồ Gươm      

(ANTĐ) - Ông Hà Đình Đức là người đưa ra giả thiết rùa hồ Gươm đã được Lê Lợi thả xuống cho rằng, từ thời nhà Lý cho đến hết thời nhà Trần, không có nguồn tư liệu nào cũng như truyền thuyết dân gian về rùa lớn trong các hồ ở Thăng Long.

Rùa hồ Gươm đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa do ô nhiễm môi trường

Về khoa học, nếu loại rùa lớn này có ở Thăng Long thì hồ Tây, hồ Ba Mẫu, Bảy Mẫu… và các hồ khác phải có. Còn  hồ Lục Thủy có loại rùa lớn sống, ắt sẽ được ghi vào sử sách. Song cho đến năm 2009 cũng chưa có bất cứ một phát hiện nào. Theo nghiên cứu của ông Hà Đình Đức, giống rùa lớn ở vùng Lam Sơn (nay là Thọ Xuân, Thanh Hóa) hiện vẫn còn là cùng loài với rùa hồ Gươm. Nhưng cũng có thể Lê Lợi đã đưa rùa từ Hòa Bình về vì tháng 4-1993, người ta đã bắt được một con nặng 175kg ở đầm Quỳnh Lâm, thị xã Hòa Bình và một con nữa nặng 121kg (tiêu bản hiện được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Hòa Bình).

Sử sách ghi lại rằng, trong 6 năm đầu tại vị thì 4 năm liên tiếp Lê Lợi đã có những cuộc hành quân lên Tây Bắc để dẹp các tù trưởng nổi loạn. Do đó, rất có thể ông đã phát hiện và đưa rùa từ Hòa Bình về Đông Quan theo đường sông. Năm 2004, Viện Công nghệ Sinh học đã tiến hành xác định gene của các loại rùa mai mềm kích thước lớn (trong đó có rùa hồ Gươm) và cho kết quả rùa hồ Gươm là loại giải Thượng Hải (Rafetus swinhoei).

Tuy nhiên Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Đình Đức khẳng định, đây là loài rùa mới và đặt tên là Rafetus leloii rồi công  bố trên Tạp chí Khảo cổ (số 4-2000). Một số  nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu về loài này như: Tiến sĩ Peter Maylan (Đại học Eckerd), Giáo sư Kraig Adler (Đại học Cornell - Mỹ) đã đồng ý với quan điểm của ông Đức rằng rùa hồ Gươm thuộc loài rùa mai mềm nước ngọt, loài thứ 5 có ở Việt Nam và cũng là thứ 23 trên thế giới (tính đến năm 2006, có 22 loài rùa nước ngọt trên thế giới được biết đến).

Do quan tâm đến rùa, ông Hà Đình Đức đã thống kê số lần cụ rùa nổi, từ tháng 10-1991 đến 6-2005, là hơn 200 lần trong đó có 35 lần cụ nổi trùng hợp với một sự kiện đặc biệt của Hà Nội hay đất nước. Có nhiều lần cụ nổi lên khi có việc nạo vét hồ Gươm hoặc tôn tạo các di tích quanh hồ. Ông Đức kể, ông nhớ nhất là sáng 27-9-2000, hôm khánh thành khu tưởng niệm Vua Lê, cụ bơi vào ghé đầu lên kè đá đền Ngọc Sơn từ 8h20 đến 10h20 trước sự chứng kiến của nhiều người.

Lần khác một số người bơi thuyền ra Tháp Rùa thắp hương xin phép về Lam Kinh tìm lại hậu duệ của cụ, lúc trở  vào bờ đã nhìn thấy tăm hướng về mũi thuyền. Sau đó cụ bơi đến và nhô đầu sát mạn. Mọi người trên thuyền sợ quá chắp tay lạy, lúc ngẩng lên thì cụ đã lặn. Ngày 4-11-2006, một tháng trước khi diễn ra Hội nghị APEC tại Hà Nội, cụ nổi lên cách bờ 3 mét đoạn gần bến xe buýt ở phố Đinh Tiên Hoàng.

Đầu năm 1992, Sở Giao thông Công chính Hà Nội trình Ủy ban Nhân dân thành phố dự án nạo vét hồ bằng phương pháp cơ giới tức là dùng máy hút bùn. Dự án đã gặp phải sự phản đối của các nhà nghiên cứu sinh học vì nếu làm như vậy không chỉ giết chết rùa con mà còn phá hủy môi trường sinh sống của tảo cùng  vi sinh vật  trong hồ.

Ngày 17-9-1993, dự án bắt đầu nhưng phải nạo vét bằng phương pháp thủ công theo đề xuất của ông Hà Đình Đức. Ngày 15-11-1993 công việc nạo vét hoàn thành. Ngày 17-11-2003, do không có mưa nên nước hồ Gươm chỗ sâu nhất chỉ còn 1,2 mét, chỗ cạn nhất chỉ còn 0,9 mét. Trước nguy cơ nước cạn sẽ nguy hiểm cho rùa  làm nhiều người Hà Nội lo lắng và người ta đưa ra phương án bơm nước vào hồ và cuối cùng thì lựa chọn phương pháp nạo vét ven bờ. Công việc kết thúc vào ngày 13-1-2004 sau 6 ngày.

Ông Đức từng cảnh báo, hồ Hoàn Kiếm đã xuất hiện một số loài rùa lạ. Đến năm 2009 cũng chưa có phương án gì để loại bỏ giống rùa này ra khỏi hồ. Rùa hồ Gươm có lẽ là loài được quan tâm nhất so với các giống rùa mai mềm khác trên thế giới. Tuy nhiên vẫn không thiếu người thả cá, rùa lạ vào ngày ông Công, ông Táo về trời.

Dù là huyền tích nhưng người Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung vẫn tin huyền tích ấy như một chuyện thật. Tin rằng huyền tích và rùa hồ Gươm chắc chắn sẽ còn lưu truyền mãi.

Nguyễn Ngọc