Rợn người với thú cưng của “teen” Hà Nội (Phần 2)

ANTĐ - Tay trái Tuấn cầm một con rắn phát sáng, còn trên vai là một con vật trông tựa như khủng long thu nhỏ.

Được sự giới thiệu của một người bạn, chúng tôi tìm đến nhà Tuấn tại khu Linh Đàm (Hà Nội). Bấm chuông, Tuấn ra mở cửa- trông thư sinh, đeo kính cận, đúng chất sinh viên. Tuấn cho hay, đã chơi thú lạ được 3 năm.

 

Rắn, loài vật đáng sợ nay trở thành thú cưng của giới trẻ Hà Nội

Để giới thiệu, cậu vào trong bếp, bê ra một cái đĩa. Nhìn vào đĩa, chúng tôi giật nảy mình vì có một con rắn nhỏ màu hổng, nằm uốn khúc. Cậu sinh viên phá lên cười, lấy tay vuốt ve con rắn: Đây là loài “candy cane snake” không có nọc độc, nó hiền lắm. Được động viên, chúng tôi cũng dùng tay sờ thử con vật mềm mềm, trơn tuột này, nhưng thú thực không thấy thoải mái chút nào.

Trong bếp, Tuấn còn nuôi 2 con rắn khác trong 2 bể kính khác nhau. Một con khoanh đen-đỏ và một con màu tím, có lằn vàng phát sáng trên lưng. Tên tiếng Anh của chúng được đặt chủ yếu dựa trên màu sắc của da. Tuấn kể, có lần một con thoát ra khỏi bể kính, bò vào nằm trong một cái nồi. Đến giờ nấu cơm, chị Tuấn mang nồi đi rửa, mở vung ra nhìn thấy con rắn…bèn hét lên như còi, Tuấn cũng hét vì tí nữa con rắn trị giá cả triệu bạc bị đem nấu chín.

Rết Trung Quốc có thể dài đến 20cm, to như ngón tay út.

Tuấn còn từng chơi cả…rết Trung Quốc. Con vật với hàng chục cặp chân tua tủa hai bên này có thể tồn tại rất lâu mà không cần ăn. Chỉ cần lấy một cái cốc nhựa mỏng có nắp mà các hàng nước mía hay dùng, bỏ vào đó một miếng bìa các-tông là thành chỗ nuôi 1-2 con rết. Thức ăn cho rết không quan trọng bằng nguồn nước uống, lâu lâu cần vẩy nước vào bìa các-tông cho chúng uống là có thể sống rất lâu.

Nhưng vật nuôi mà Tuấn cưng nhất lại là một con kỳ nhông. Lẩn ra sau nhà, vài phút sau Tuấn quay lại với con kỳ nhông trên vai mà một lần nữa chúng tôi không khỏi giật mình vì hình dáng của nó. Toàn thân xanh lét, dài cả mét. Có mào, có sừng, có gai trên lưng, móng chân cong vút…tóm lại là trông kỳ quái như một con khủng long thời tiền sử thu nhỏ.

Ngồi nhìn con vật, nói chuyện với chủ nhân mới biết hóa ra kỳ nhông là loài “dễ ăn, dễ sống nhưng lại khó nuôi”. Muốn con vật lớn nhanh, trổ mã được hết màu sắc…thì người nuôi phải tốn rất nhiều công sức, thời gian và cả lòng quyết tâm. “Mới mang về, hầu như ai cũng chịu khó chăm sóc. Ngày cho ăn 3-4 lần với nhiều loại thức ăn, nhưng chỉ sau vài tháng là chán, chỉ còn cho chúng ăn loại thức ăn duy nhất. Thế là xuống màu, gai trên lưng nằm bẹp, mắt con vật lờ đờ”- Tuấn rút tỉa kinh nghiệm.

Kỳ nhông hiện đang là "ngôi sao" trong số những vật nuôi của giới trẻ

Chưa hết, nuôi con “khủng long nhí” này còn phải chịu khó tắm cho da chúng không bị khô và mắc các bệnh ngoài da; tắm xong lại phải phơi nắng vài tiếng/ngày… Nhưng trên hết, mỗi tuần chủ nhân đều phải cắt tỉa móng chân cho kỳ nhông. Hãy thử tượng tượng con vật dài từ 1,5m- 2,2m (kích thước tối đa của loài vật này) với bộ móng chân sắc lẻm không được cắt tỉa sẽ là thảm họa thực sự cho người nuôi nếu vô tình chúng cào phải.

Và cuối cùng, sau tất cả những khâu trên, người chủ cần phải chơi với chúng hàng tiếng mỗi ngày bằng cách vuốt ve từ tấm bé. Chỉ bằng cách này, con vật mới được thuần hóa, khi lớn lên mới không nổi khùng bất thường mà vụt cái đuôi dài và cứng gây chảy máu hoặc nhe bộ răng lởm chởm ra cắn người.

Một con rồng đen...

....và một con tắc kè bông

Nghe “bản tổng kết tóm tắt” về cách nuôi và đặc tính về kỳ nhông của Tuấn, chúng tôi cảm thấy ù tai, thấy không còn chút khả thi và thú vị nào nữa, dù rằng con kỳ nhông của Tuấn thậm chí còn biết đi vệ sinh đúng chỗ.

Cùng loài bò sát, còn có rất nhiều con vật được giới trẻ Hà Nội săn tìm như: Rồng Úc, tắc kè bông, thằn lằn cảnh…. Mỗi con có một dáng vẻ riêng, nhưng tựu chung lại đều rất hầm hố, kỳ dị cũng như khó nuôi. Dường như đúng với tính cách đột phá của tuổi trẻ, vật nuôi cũng phải là những loài thật đặc biệt, càng không “đụng hàng” càng tốt, hình thù càng kỳ quái càng hay… Còn những vật nuôi truyền thống như chó, mèo, chim chóc…thì “xưa rồi diễm ơi”.