Rau an toàn vẫn khó đầu ra dù hàng chục triệu người tiêu dùng mong mỏi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Địa bàn thành phố Hà Nội đã hình thành 104 vùng sản xuất rau an toàn, với quy mô từ 20ha trở lên tại các huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ...; cho giá trị từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm.

Đặt mục tiêu 3.000-4.000ha rau an toàn vào 2025

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, sản lượng rau của thành phố đạt hơn 700.000 tấn/năm, tốc độ tăng trưởng trung bình 1,9%/năm. Chủng loại rau gieo trồng khá phong phú với hơn 40 loại, chủ yếu gieo trồng ở vụ đông xuân. Hiện tại, diện tích rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận duy trì ổn định 5.451,8ha, với năng suất đạt khoảng 70 tấn/ha/năm.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã hình thành 104 vùng sản xuất rau an toàn, với quy mô từ 20ha trở lên tại các huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ...; cho giá trị từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm.

Diện tích rau đã được chứng nhận hữu cơ và đang xin chứng nhận sản xuất theo hướng hữu cơ khoảng 180ha, năng suất dự kiến 50 tấn/ha/năm, hiệu quả kinh tế sản xuất rau hữu cơ cao hơn so với sản xuất rau thông thường từ 20 đến 30%.

Để bảo đảm chất lượng rau an toàn cung cấp ra thị trường, hàng năm, Chi cục đều phối hợp với các địa phương chuyển giao nhiều mô hình tiến bộ kỹ thuật trong canh tác rau an toàn, như: Sử dụng vải không dệt che phủ trên rau ăn lá (màng phủ Passlite), hạn chế rau dập nát vào mùa mưa, giữ ấm cho rau vào mùa đông; sử dụng bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu gây hại…

Hà Nội hiện có 104 vùng trồng rau an toàn

Hà Nội hiện có 104 vùng trồng rau an toàn

Dù vậy, việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội còn khó khăn do thị trường tiêu thụ rau an toàn chưa ổn định, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp.

Số lượng hợp tác xã sản xuất rau, nhất là số cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP còn quá ít so với diện tích sản xuất rau hiện có; việc tiếp cận chính sách, nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất của các hợp tác xã còn nhiều khó khăn.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển thêm 3.000-4.000ha rau an toàn; đồng thời, tiếp tục đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Để mở rộng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua, các Sở, ngành tham mưu cho thành phố tiếp tục có cơ chế, chính sách về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại (IPM) trên cây rau; ban hành quy trình kỹ thuật về sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ. Cùng với đó, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn.

Dù vậy, việc tiêu thụ rau an toàn vẫn khó cạnh tranh dù người tiêu dùng có nhu cầu cao

Dù vậy, việc tiêu thụ rau an toàn vẫn khó cạnh tranh dù người tiêu dùng có nhu cầu cao

Phát triển chuỗi sản xuất- tiêu thụ, truy xuất đến từng hộ

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, ngành Nông nghiệp phối hợp với các huyện, thị xã tăng cường, siết chặt công tác quản lý vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu, đánh giá sự phù hợp của thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc, thuốc có thời gian cách ly ngắn để ứng dụng đối với sản xuất rau an toàn, bảo đảm sự cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với đó, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ đến từng hộ; tăng cường hỗ trợ đào tạo nông dân, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm.

Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các sở, ngành tham mưu với thành phố lựa chọn hạng mục đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiệu quả, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, như: Chợ đầu mối, chợ bán buôn, bán lẻ, bố trí điểm bán hàng, hỗ trợ thuê cửa hàng rau an toàn để đẩy mạnh khâu tiêu thụ.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội bổ sung, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương mở những lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý cho cán bộ làm công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm ở xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác quản lý an toàn thực phẩm và phối hợp tốt với các đoàn thể chính trị, xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát để bảo đảm an toàn thực phẩm.

Công tác truyền thông, phổ biến pháp luật bảo đảm an toàn thực phẩm với những cách làm mới, hiệu quả hơn cũng sẽ được Sở chú trọng để thu hút sự quan tâm, hành động của chính quyền địa phương và cộng đồng đối với vấn đề an toàn thực phẩm.

Trước mắt, các địa phương cần thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp được sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, lưu thông trên thị trường.

Về lâu dài, các địa phương cũng cần xây dựng, triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo chiều sâu và chiều rộng, nhằm kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thực phẩm, hướng đến lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng.