Đặc biệt nhờ hát chèo
Là ngôi sao sáng của dòng nhạc thính phòng cổ điển, trước đó nghệ sĩ Quốc Hưng cũng từng là một diễn viên chèo. Anh đã theo học chèo trong 3 năm rồi tham gia công tác tại Đoàn chèo Hà Nội hơn một năm trước khi chuyển sang học âm nhạc cổ điển theo lời khuyên của NSND Quý Dương. Thi đỗ vào Khoa Thanh nhạc Nhạc Viện Hà Nội, được NSND Trần Hiếu giảng dạy và dìu dắt , Quốc Hưng đã gần như phải bắt đầu lại từ đầu. Anh đã mất hơn một năm để có thể bỏ lối hát luyến láy, vốn là đặc trưng của chèo nhưng lại không phù hợp với dòng nhạc cổ điển. Tuy nhiên, với anh khoảng thời gian hát chèo không hề lãng phí, hơn thế nữa, anh còn tự hào cho biết: “Nhiều chuyên gia nước ngoài từng làm việc với tôi đều đánh giá giọng hát của tôi có tần số rung rất đẹp và tinh tế mà hiếm người có. Tôi cũng phát hiện ra rằng, tần số rung đặc biệt đó không phải ngẫu nhiên, mà do trước đây tôi từng là diễn viên chèo nên mới có được”.
Với giọng ca đẹp được nhiều người trong giới âm nhạc thừa nhận, NSƯT Quốc Hưng luôn tự tin khẳng định trình độ và chuyên môn của mình. Ngay từ khi còn là sinh viên Nhạc viện Hà Nội, anh đã tham gia nhiều cuộc thi và giành được nhiều thành tích đáng kể. Nhưng không hài lòng với những gì đã đạt được, anh luôn phấn đấu, nỗ lực không ngừng để phát huy hơn nữa khả năng của mình. Và hiện nay, anh vẫn đang theo học Nghiên cứu sinh tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Thăng hoa cùng học trò
Bên cạnh làm quản lý tại Khoa Thanh nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và tham gia các chương trình opera lớn, NSƯT Quốc Hưng vẫn chuyên tâm với công việc giảng dạy. Anh luôn được sinh viên yêu quý và tín nhiệm, không chỉ bởi là một nghệ sĩ lớn, mà vì anh luôn cố gắng chia sẻ hết những kinh nghiệm anh đã tích lũy được. Nhắc đến chuyện giảng dạy, anh tỏ ra rất hào hứng: “Phải biết truyền tải cảm xúc, biểu cảm của mỗi tác phẩm bằng cách phân tích giống như kể một câu chuyện thì mới tạo được hứng thú cho sinh viên…”. Không chỉ thế, mỗi khi học trò buồn vui chuyện nghề, hay sung sướng vì đạt được những thành công riêng, anh cũng cũng hòa chung dòng cảm xúc ấy. Đôi khi nhìn “những sản phẩm của mình” đứng trên sân khấu, anh còn cảm thấy như “thăng hoa” theo học trò.
Theo NSƯT Quốc Hưng, việc biểu diễn và giảng dạy là hai hoạt động tương hỗ lẫn nhau: Biểu diễn giúp anh có nhiều kinh nghiệm thực tế để truyền lại cho sinh viên của mình; giảng dạy lại là cách anh giữ “phong độ âm nhạc” đồng thời cho anh những kỹ năng sống để tiếng hát của anh gần gũi hơn với người nghe. Và cả hai việc đó đều không thể thiếu được trong cuộc sống của anh.
Không muốn con theo nghề
“Tôi sống bằng âm nhạc” là khẳng định của nghệ sĩ Quốc Hưng, khi mà cuộc sống của anh thực sự luôn đầy ắp nhạc điệu. Vợ anh cũng là một nghệ sĩ, hiện đang làm việc tại nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Hai cô “công chúa” Bảo Trâm - Bảo Anh của Quốc Hưng cũng sớm tỏ ra có năng khiếu trong lĩnh vực âm nhạc. Điều này ca sĩ Quốc Hưng “giật mình”: “Tôi chưa bao giờ dạy nhạc cho con, mà đến khi cho thu âm một CD, vốn để chơi thôi, thì thấy các con hát đúng nhạc và hay lắm! Không những thế, cả hai còn “đòi” học thêm đàn piano”. Trước năng khiếu và sở thích của các con, anh vừa vui lại vừa lo, vì anh biết “con đường âm nhạc rất vất vả”, anh không muốn các con chọn con đường này. Tuy nhiên, anh sẽ không phản đối nếu các con có tài năng và đam mê thực sự, giống như anh cũng đã từng “phải lòng” âm nhạc vậy. Chàng ca sĩ “Thầm hát với Hà Nội” hiện đang thực hiện một album mới với các bản nhạc cách mạng và nhạc trữ tình nổi tiếng: Bài ca không quên, Vết chân tròn trên cát, Sông Lô chiều cuối năm, Quê hương anh bộ đội… Sau tất cả, anh vẫn khát khao và mong mỏi có thể làm được một CD nhạc thính phòng cổ điển - dòng nhạc kén người nghe mà anh đã theo đuổi cả cuộc đời…