ĐBQH Phạm Văn Hòa |
Chiều 25-11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Quan tâm đến lĩnh vực quảng cáo trên báo chí, truyền hình, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, dự thảo Luật đã quy định về việc tăng diện tích quảng cáo trên báo in, nhằm tháo gỡ khó khăn cho báo in.
Tuy vậy, trước sự cạnh tranh với mạng xã hội, thị phần quảng cáo của báo in đang giảm sút nghiêm trọng, vì thế quy định trên chưa giải quyết được những khó khăn của báo in. Trong khi đó, các cơ quan báo chí phát hành báo in là đơn vị tự chủ, thế nên ĐBQH đề xuất để các đơn vị này tự chủ quyết định diện tích quảng cáo trên báo.
Với việc tăng thời lượng quảng cáo trên truyền hình từ 5 – 10%, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, điều ông quan tâm không phải vấn đề thời lượng và thời điểm phát sóng quảng cáo. Dẫn việc khi đang xem chương trình truyền hình, tới chỗ hấp dẫn thì bị quảng cáo cắt ngang, ĐBQH bức xúc chia sẻ, đây là hành vi “vô duyên”, không tôn trọng khách hàng, đề nghị xem xét kỹ.
Về quảng cáo trên mạng, ông nhận định là vấn đề hết sức quan tâm. Bởi trên thực tế, có những hình ảnh, thông tin quảng cáo chưa phù hợp. ĐBQH đề nghị người quảng cáo phải chịu trách nhiệm về sản phẩm mà mình quảng cáo.
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy |
Góp ý thêm liên quan tới vấn đề thời lượng quảng cáo trên truyền hình, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) cho biết, theo quy định hiện hành, mỗi chương trình phim truyện được ngắt quảng cáo không quá 2 lần, mỗi lần không quá 5 phút. Điều này dẫn tới tình trạng giảm thời lượng mỗi tập phim khiến “phim quá ngắn, quảng cáo quá dài”.
Điều 22 dự luật sửa đổi quy định mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt quá 4 lần, mỗi lần ngắt không quá 5 phút. Chương trình phim truyện dưới 30 phút được ngắt quảng cáo 2 lần. Mỗi 15 phút tăng thêm được ngắt thêm 1 lần. Mỗi lần ngắt không quá 5 phút.
“Vì vậy, nếu mỗi tập phim 60 phút có tới 15 phút quảng cáo, chiếm tới 1/4 thời lượng chương trình” - ĐBQH Thanh Thúy phân tích và cho rằng, quy định như vậy chưa quan tâm tới quyền lợi của người xem truyền hình. Lý do là nếu quảng cáo trên báo in và điện tử, người xem có thể bỏ qua, nhưng với truyền hình thì không có phương pháp nào.
Quan tâm đến nội dung quảng cáo trên môi trường mạng, ĐBQH Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) nêu thực trạng các bài viết, video quảng cáo trên trang cá nhân như Facebook, Zalo, Tiktok rất đa dạng. Có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng nhưng được lan truyền trên không gian mạng một cách rộng rãi, công khai.
“Như là trào lưu uống nước kiềm để chữa bệnh”; thải độc đại tràng, ruột bằng cà phê; thần thành hóa gạo lứt, nước tương chữa ung thư; các bài thuốc, phương thức bí truyền; giảm cân thần tốc; sản phẩm phòng ngừa ung thư. Thậm chí nhiều người từ bỏ giai đoạn vàng để trị bệnh, chạy theo quảng cáo trên mạng, gây tổn hại cho sức khỏe cá nhân, gia đình, xã hội... Vậy trách nhiệm chính thuộc cơ quan nào, phải quy định rõ trong luật” - ĐBQH Thủy nói.
Theo ĐBQH, thời gian qua, cơ quan chức năng cũng có các biện pháp để xử lý, ngăn chặn các hành vi quảng cáo không đúng với quy định. Tuy nhiên, so với yêu cầu của công tác này trong thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thế nên, trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này, ĐBQH mong muốn các quy định được bổ sung phải đảm bảo tính hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với quảng cáo.
Tương tự, ĐBQH Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, việc kiểm soát nội dung quảng cáo trực tuyến cần phải được siết chặt hơn, trong đó cần bổ sung quy định bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị; đồng thời phải thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn 24 giờ.
Ông Bình đề nghị, cần nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được; công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để răn đe…