Quyền Tổng giám đốc PGBank là “người cũ” OCB

ANTD.VN - Ngày 23/9/2024, Hội đồng quản trị hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank – mã chứng khoán: PGB) đã trao quyết định bổ sung ông Nguyễn Văn Hương vào vị trí Quyền Tổng Giám đốc.

Ông Nguyễn Văn Hương, sinh năm 1980, có hơn 21 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Ông tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế Đầu tư, và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.

Trong sự nghiệp của mình, ông đã đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân, cũng như các kênh bán hàng quan trọng tại các ngân hàng như Vietcombank, VPBank,OCB…

Trước khi trở thành quyền Tổng giám đốc PGBank, ông Hương làm Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối bán lẻ Ngân hàng OCB.

Ông Nguyễn Văn Hương (giữa) được bổ nhiệm Quyền Tổng giám đốc OCB

Từ thời điểm Petrolimex thoái vốn, thay vào đó là sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới, PGBank có nhiều biến động lớn về nhân sự cấp cao.

Hiện vị trí tổng giám đốc của PGBank được để trống từ tháng 4/2024, sau khi bà Đinh Thị Huyền Thanh, người mới được bổ nhiệm Tổng giám đốc từ cuối năm ngoái, nộp đơn từ nhiệm và được thông qua sau ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.

Tại đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức vào cuối tháng 8/2024, cổ đông PGBank đã bầu bổ sung hai thành viên HĐQT là ông Đào Quốc Tính và bà Cao Thị Thúy Nga.

Theo công bố mới nhất của nhà băng này, hiện có 3 tổ chức và 13 cá nhân đã sở hữu tới 409 triệu cổ phần, tương đương 97,4% vốn ngân hàng.

Cụ thể, 3 doanh nghiệp đang sở hữu xấp xỉ 40% vốn điều lệ PGBank là Công ty cổ phần Quốc tế Cường Phát (13,541%), Công ty Cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức (13,36%) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh (13,099%).

Ba doanh nghiệp này đã mua lại 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank tại buổi bán đấu giá hồi tháng 4/2023 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Đáng nói, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cả cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%. Như vậy, cả 3 cổ đông kể trên của PGBank đều đang sở hữu số cổ phần vượt trần.