Quy định pháp luật về xử lý việc kinh doanh hàng hóa xách tay không có hóa đơn, chứng từ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Hoạt động kinh doanh hàng xách tay hiện nay rất phổ biến, thậm chí được ưa chuộng trên thị trường. Tuy nhiên, rất nhiều vụ việc cơ quan quản lý thị trường kiểm tra các cửa hàng bán đồ xách tay nhưng chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ. Những trường hợp này có bị xử phạt không? Trần Ngọc Trung (Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội)
Hàng xách tay lưu thông trên thị trường mà không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật thì được xác định là hàng hóa nhập lậu (Ảnh minh họa)

Hàng xách tay lưu thông trên thị trường mà không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật thì được xác định là hàng hóa nhập lậu (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời:

Pháp luật hiện nay không định nghĩa cũng như quy định về hàng xách tay. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiểu rằng hàng xách tay là hàng do cá nhân mua trực tiếp từ nước ngoài và mang về Việt Nam bằng đường hàng không, sau đó sẽ được bán tại các cửa hàng hoặc bán qua các cá nhân. Vì hàng xách tay không phải chịu thuế, không phải kê khai hải quan nên giá thành thường rẻ hơn, đây cũng là lý do người tiêu dùng ưa chuộng mua loại hàng này.

Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty Luật TNHH An ninh, phòng 305, tòa nhà số 8 Láng Hạ, Hà Nội)

Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty Luật TNHH An ninh, phòng 305, tòa nhà số 8 Láng Hạ, Hà Nội)

Tuy nhiên, tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-10-2020, khoản 6, Điều 3 quy định “hàng hóa nhập lậu” gồm:

- Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;

- Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;

- Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

- Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

- Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Như vậy, căn cứ quy định trên, hàng xách tay lưu thông trên thị trường mà không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật thì được xác định là hàng hóa nhập lậu. Do đó, việc kinh doanh hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 15, Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Mức phạt tiền căn cứ theo trị giá của hàng hóa nhập lậu, dao động từ 500.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đặc biệt, khoản 2, Điều 15 quy định như sau:

“2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:

a) Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

c) Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi”.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và buộc khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4, khoản 5, Điều 15, Nghị định 98/2020/NĐ-CP.